Thứ Tư, 10 tháng 4, 2013

Đối thủ của tỷ phú Việt trong vụ thâu tóm Dell

Người ta biết tới ông nhờ biệt tài thâu tóm doanh nghiệp, làm tăng giá trị rồi bán đi kiếm lời. Nay ông đang cạnh tranh trực tiếp với Chính Chu trong cuộc đua giành tập đoàn Dell.
> Tỷ phú gốc Việt và 15 lần xin việc thất bại
> Tỷ phú gốc Việt 'đạo diễn' vụ mua lại Tập đoàn Dell

Michael Dell đang phải đứng giữa lựa chọn bán tập đoàn cho ai: Blackstone hay Carl Icahn. Ảnh: Bloomberg
Michael Dell đang phải đứng giữa lựa chọn bán tập đoàn cho ai: Blackstone hay Carl Icahn. Ảnh: Bloomberg
Blackstone đưa hai nhân vật cấp cao trong đó có tỷ phú gốc Việt - Chính Chu đến đàm phán mua lại tập đoàn được sáng lập bởi Michael Dell. Ở bên kia chiến tuyến là một doanh nhân kỳ cựu của Phố Wall - Carl Icahn. Nhà đầu tư 77 tuổi tuyên bố trả 15 USD cho mỗi cổ phiếu Dell, cao hơn mức giá Blackstone đề nghị (14,5 USD). Thị giá Dell hiện là 14,2 USD mỗi cổ phiếu.
Quyết định của Carl đưa Dell vào thế khó, bởi giá quá hời cho một công ty không còn ở thời đỉnh cao. Vị tỷ phú đủ khả năng mua lại 58,1% tập đoàn và không yêu cầu thay CEO, còn Blackstone lại dư sức mua toàn bộ nhưng Michael Dell ngấp nghé nguy cơ mất ghế lãnh đạo cao nhất. Bản thân Icahn cũng sở hữu một tỷ USD cổ phiếu tại Dell.
Đối trọng với Icahn trong thương vụ mua lại lần này, Blackstone đang giữ những ưu thế nhất định. Họ có trong tay Chính Chu, vị giám đốc không ít lần chiến thắng trong các hợp đồng mua bán sáp nhập. Chính Chu từng thực hiện vụ mua lại lớn nhất lịch sử châu Âu trị giá 3,8 tỷ USD chỉ bằng vài cú điện thoại, thuyết phục được Morgan Stanley và Deutsche Bank hậu thuẫn tài chính. Ngoài ra, David Johnson, "người cũ" của Dell hiện làm giám đốc cao cấp của Blackstone cũng được chỉ đạo tham gia cùng Chính Chu. David đã có khoảng 4 năm làm thân tín của CEO Michael Dell.
Chưa có ghi chép nào về đối đầu giữa Carl Icahn và Chính Chu trong các thương vụ trước đây. 25 tỷ USD có thể chưa phải hợp đồng giá trị nhất của Carl, nhưng sẽ lần đầu tiên Chính Chu "đạo diễn" một cuộc cạnh tranh có giá trị lớn đến vậy. Dù các bên tham gia đàm phán chưa đưa bình luận chính thức nào, ván bài mang tên Dell đang có phần nghiêng về Blackstone và Chính Chu.
Theo Bloomberg, Michael Dell đang tích cực gặp mặt và thương thảo với Blackstone. Trang tin dẫn lời một người giấu tên cho biết, Chính Chu và Dell đang đưa ra những kế hoạch chiến lược mang lợi ích cho cả hai. Vấn đề đặt ra vẫn là quyền kiểm soát tập đoàn rơi vào tay ai. Blackstone mua được Dell sẽ ngăn Michael thành cổ đông chính, giới hạn quyền hành của ông. Chính vì thế, CEO đang đề nghị giúp Blackstone giảm 4,5 tỷ khi mua Dell bằng việc giữ lại 15,6% cổ phiếu hiện có của mình, với điều kiện giữ được ghế Giám đốc điều hành.
Nhưng từng ấy vẫn chưa thể đảm bảo chiến thắng hoàn toàn cho Blackstone bởi Carl Icahn không phải người để chơi đùa. Tỷ phú Leon Black, đồng sáng lập Tập đoàn Apollo Global Management nhận xét: "Carl là người thích chiến thắng và tiền. Ông ấy thông minh và có phần tàn nhẫn, không quan tâm tới người khác nghĩ gì, dù không phải lúc nào Carl cũng đúng". Leon từng có thời gian làm việc với Icahn.
Carl Icahn,
Carl Icahn, "doanh tặc" thích tiền và yêu mùi vị chiến thắng của Phố Wall. Ảnh: AFP
Carl Celian Icahn (sinh năm 1936) là tỷ phú giàu thứ 26 trên thế giới theo danh sách của Forbes, với lượng tài sản ước tính 20 tỷ USD. Ông sinh ra tại New York (Mỹ) và đang đứng đầu Công ty quản lý tài sản Icahn Enterprises do mình sáng lập. Ông có bằng cử nhân Triết học tại Đại học Princeton năm 1957, rồi theo đuổi ngành Y tại Đại học New York nhưng sớm từ bỏ để gia nhập quân đội.
Icahn khởi nghiệp tại Phố Wall năm 1961, đến 1968 đứng ra thành lập Công ty Icahn & Co, tập trung mua đi bán lại các mã cổ phiếu rủi ro cao. Sau đó, ông nghĩ ra cách dùng tiền người khác như một quỹ đầu cơ, để họ chi cho ông 2,5% trên mỗi khoản đầu tư và 25% lợi nhuận.
Trong 15 tháng qua, Carl đã thực hiện tới 14 thương vụ mua các công ty khác nhau. Thành tích này khiến ông trở thành kẻ thâu tóm doanh nghiệp số một tại Phố Wall, nơi còn gọi ông với cái tên "Doanh tặc" Carl Icahn. Ông thường mua lại rồi chia nhỏ công ty, sau đó lại lại kiếm lời. Sở hữu hơn 20 tỷ USD và hàng chục năm "chinh chiến" ở Phố Wall, Carl đủ tiềm lực tài chính và kinh nghiệm để săn các doanh nghiệp.
Nguồn tài sản khổng lồ và tính nhạy bén khiến Icahn trở nên nguy hiểm. "Ngay lúc này tôi có thể viết séc 10 tỷ USD mà không cần bán tài sản để huy động vốn", ông nói. Cách Carl ráo riết đi mua cổ phiếu, giành chân trong hội đồng quản trị rồi buộc thành viên ban lãnh đạo nhường bước tạo cho các công ty tâm lý "ngại" trở thành mục tiêu của ông trên thị trường
Forbes đánh giá ông là một trong số ít nhà đầu tư làm thay đổi thị trường và một trong những kẻ săn công ty nổi tiếng nhất hiện nay. Ông được so sánh với tỷ phú Warren Buffett bởi những chiến công của mình. Từ năm 2000, Berkshire Hathaway của Buffett tạo ra 250% lợi nhuận thì Icahn Enterprises đạt tới 840%. Trong 4 năm qua, các quỹ đầu tư của "doanh tặc" mang lại khoản thu trung bình tăng 25% một năm.
Phương Linh

Thứ Hai, 8 tháng 4, 2013

Tỷ phú chuyên 'đào mỏ' ở phố Wall


Ông là một trong những nhà đầu tư chứng khoán thành công nhất thế giới hiện nay. Đó là Carl Icahn, một trong 50 tỷ phú giầu nhất thế giới với tổng tài sản được đánh giá bằng 7,8 tỷ USD. 
Thế nhưng ông cũng lại là nhà đầu tư mà đối thủ khiếp sợ. Đặc biệt các công ty niêm yết, các công ty cổ phần luôn luôn lo lắng khi biết Carl Icahn có ý định đầu tư vào đó. Bởi Carl Icahn tìm mọi cách để đạt được mục tiêu và sở thích “chiếm đoạt” công ty của mình.
Carl Icahn là nhà đầu tư chuyên nghiệp và nổi tiếng bậc nhất tại thị trường chứng khoán phố Wall. Ông nổi danh và giàu có bắt đầu từ đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Carl Icahn đã tự nhận mình là một chuyên gia “đào mỏ” ở phố Wall để làm giàu. Thị trường chứng khoán và các phương tiện truyền thông về chứng khoán ở nước Mỹ chắc có lẽ sẽ có phần nhàm chán đáng kể nếu không có những nhà đầu tư hay "quậy" nổi đình nổi đám như Carl Icahn.
Nhà tỷ phú Carl Icahn cũng rất thích phát ngôn, rất hay xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên thực tế, đây chính là một trong những công cụ mà Carl Icahn đã hay dùng để gây sức ép, thậm chí để doạ dẫm cả đối thủ và người liên quan. Nhiều công ty đã dễ dàng lọt vào danh mục đầu tư của Carl Icahn. Ngược lại, nhiều phi vụ kinh doanh mua bán của các công ty, tập đoàn đã bị đổ bể bởi sự tham gia, can thiệp bằng hình thức này hay hình thức khác của Carl Icahn. Mới đây nhất, ông đã liên tục gây sốc cho báo giới, cho công chúng và nhất là cho tập đoàn truyền thông lớn nhất thế giới Time Warner, khi liên tục gây sức ép với tập đoàn này và cá nhân chủ tịch điều hành Parsons.
Toàn bộ giá trị tài sản khổng lồ của mình, Carl Icahn đều tạo ra từ kinh doanh chứng khoán và mua bán cổ phần các công ty. Carl Icahn thành lập nhiều quỹ đầu tư chứng khoán và đầu tư với một danh mục rất phong phú. Với tổng giá trị hơn 20 tỷ USD, các quỹ đầu tư do Carl Icahn chi phối đã đầu tư vào gần 60 công ty khác nhau. Với cổ phần chi phối, Carl Icahn là chủ tịch hội đồng quản trị của nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ như tập đoàn viễn thông XO Communications, Blockbuster, American Railcar. Carl Icahn đầu tư vào nhiều ngành quan trọng khác như năng lượng, truyền thông, dược phẩm. Hiện với số cổ phần nắm giữ, Carl Icahn là đại cổ đông của các tập đoàn Time Warner, Hollywood Entertainment, tập đoàn năng lượng National Energy Group, Adventis Pharmaceutical. Carl Icahn say sưa đầu tư chứng khoán và ông cũng lại rất ham cá cược trên các sòng bạc. Vì thế, sự có mặt của 3 Casino lớn trong danh mục đầu tư của ông cũng không có gì là lạ. Thông qua tập đoàn American Entertainment Propeties, Carl Icahn cũng đầu tư khá nhiều vào các sòng bạc lớn như Casino Arizona Charlie’s Decatur hay Stratosphere ở thành phố Las Vegas nổi tiếng về cờ bạc.
Chuyên gia mua rẻ bán đắt
Carl Icahn sinh năm 1936, năm nay vừa tròn 70 tuổi. Thế nhưng, đúng là “gừng càng già càng cay”, với cái nghề kinh doanh chứng khoán này dường như không hề có giới hạn tuổi tác. Ông đã giàu lại càng giàu thêm. Ông vẫn ham mê đầu tư và đầu cơ chứng khoán một cách cuồng nhiệt như ngày còn trẻ.
Carl Icahn sinh ra và lớn lên tại Queens, thuộc bang New York, Mỹ. Ông dường như có năng khiếu bẩm sinh với các hoạt động đầu tư chứng khoán bởi vì ông không được học bài bản về tài chính hay đầu tư chứng khoán. Trước khi đến với thế giới chứng khoán của thị trường tài chính phố Wall, Carl Icahn học dở ngành dược tại trường Đại học New York, rồi sau đó ông có bằng cử nhân triết học của trường Đại học Princeton. Thế nhưng Carl Icahn chưa hề kiếm được đồng tiền nào từ ngành triết học.
Say mê với thế giới chứng khoán đầy ma lực, ông học thêm về kinh doanh chứng khoán, về quản trị kinh doanh để trở thành nhà môi giới chứng khoán. Những năm tháng hành nghề trên phố Wall đã rèn giũa Carl Icahn trở thành một tay săn lùng cổ phiếu có hạng. Cùng với thời gian, Carl Icahn đã nhận thấy rằng thị trường chứng khoán là một mỏ vàng vô tận và ông phải là người biết "đào mỏ", càng nhiều càng tốt. Từ năm 1980, Carl Icahn mới thật sự được biết đến là một nhà đầu tư. Ngay từ lúc đó, ông đã được dân chúng khoán tặng cho biệt danh “chiến sĩ săn lùng công ty”.
Chiến lược đầu tư và kinh doanh của Carl Icahn là săn lùng tìm mua cổ phiếu của các công ty có giá thấp để rồi sau đó bán lại với giá cao ngất ngưởng. Các quỹ đầu tư của ông với tỷ suất lợi nhuận trung bình lên đến 53%, một con số cao khủng khiếp khiến các đối thủ cạnh tranh vừa ghen tị, vừa thán phục.Carl Icahn dường như có cái mũi rất thính. Ông đánh hơi rất nhanh các công ty bị đánh giá trên thị trường dưới giá trị thật của mình và tìm cách mua bằng được cổ phiếu của các công ty đó với số lượng càng lớn càng tốt. Thành công của nhà đại tỷ phú này luôn gắn liền với những huyền thoại “săn” công ty của ông từ gần 30 năm nay. Và nay ông già bước sang tuổi 70 này vẫn chưa hề có ý định ngưng nghỉ chuyện đó.
Sự tinh nhạy của Carl Icahn trong chừng mực nào đó đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường chứng khoán vốn rất nhạy cảm với thông tin và tâm lý. “Chiến đấu” đã hàng chục năm trên thị trường chứng khoán và chẳng mấy khi đoán nhầm, nên mọi hành vi, động thái đầu tư của Carl Icahn luôn được để ý từng li từng tí. Có công ty, tập đoàn thì tìm cách ngăn chặn, cản trở một quyết định đầu tư nào đó của Carl Icahn. Còn có nhiều nhà đầu tư khác lại muốn “ăn” theo ông. Carl Icahn đầu tư vào đâu, công ty nào thì họ cũng đầu tư vào đó.
Nhà đầu tư với nhiều chiêu "độc"
Khi nắm giữ một tỷ lệ cổ phần đáng kể của một công ty, Carl Icahn không chờ đợi cho giá cổ phiếu tự nhiên tăng, mà ông chủ động với nhiều biện pháp nhằm kích giá lên. Một trong những động thái mà Carl Icahn ưa sử dụng với nhiều công ty là gây áp lực tìm cách loại trừ, sa thải Ban điều hành hiện tại của công ty. Carl Icahn bắn tin ra thị trường rằng công ty cần được cải tổ và đang trên con đường cải tổ thành công. Cái cách mà Carl Icahn làm cũng rất ghê gớm và khó chịu với giới điều hành doanh nghiệp.
Ông sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng để tung một tin này về công ty hay “bắn” một tin nọ không hay về Ban điều hành. Chính vì vậy, với nhiều công ty, Ban điều hành thực sự lo lắng khi biết công ty bị lọt vào tầm ngắm của “chiến sĩ săn lùng công ty” Carl Icahn. Thậm chí rất nhiều nhà phân tích và báo giới còn chứng kiến Ban lãnh đạo những công ty như vậy còn bị sốc nặng khi biết tin Carl Icahn đã vừa “ôm vào” 5% số cổ phần của công ty họ. Không phải tất cả nhưng rất nhiều trường hợp như vậy,
Carl Icahn với tư cách là một cổ đông lớn đã tìm cách gây sức ép, gây ảnh hưởng để thay đổi ban điều hành.Có những công ty đã bị chia rẽ bởi áp lực chỉ trích của vị cổ đông lớn Carl Icahn. Trường hợp của tập đoàn thực phẩm và thuốc lá RJR Nabisco là một ví dụ điển hình. Sau một thời gian dài trước sự tấn công của Carl Icahn, tập đoàn này phải chia nhỏ. Trừ trường hợp của hãng hàng không TWA là Carl Icahn có ý định kiểm soát lâu dài khi mua cổ phiếu, còn các trường hợp khác ông không hề có ý định ấy. Với mục tiêu “đào mỏ” càng nhiều, càng nhanh càng tốt, Carl Icahn chỉ chờ giá lên là bán cổ phiếu kiếm lời.
Không tha cả các tập đoàn lớn
Sự tài ba và cả sự ghê gớm trong đầu tư và kinh doanh cổ phiếu của Carl Icahn còn thể hiện rõ trong đối tượng công ty mà ông tìm đến. Không chỉ tìm cách săn lùng các công ty nhỏ, nếu có cơ hội Carl Icahn cũng không bỏ qua việc mua cổ phiếu của các tập đoàn cực lớn như tập đoàn dầu mỏ Texaco hay tập đoàn sản xuất thép U.S. Steel hay mới đây nhất là cổ phiếu của hãng sản xuất phim chụp ảnh Kodak.
Tiếng nói, ảnh hưởng của Carl Icahn với tư cách một nhà đầu tư đã có tác động ảnh hưởng rất lớn với các cổ đông khác. Vì vậy dù nếu không nắm giữ cổ phần chi phối nhưng Carl Icahn vẫn có thể can thiệp, gây áp lực thay đổi các quyết định kinh doanh của mình. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền, đang nắm trong tay một quỹ đầu tư có giá trị hơn 20 tỷ USD, Carl Icahn ra cú đòn quyết định bằng việc tung tin sẽ bỏ ra 5,4 tỷ USD để mua lại cả Mylan Laboratories. Ban lãnh đạo Mylan Laboratories quá căng thẳng, phải thay đổi quyết định của mình trước sức ép của Carl Icahn. Giới kinh doanh chứng khoán cho biết Carl Icahn đã không ít lần doạ mua cả công ty như vậy cho dù rất ít khi thực hiện thật. Chỉ biết rằng giá cổ phiếu mà Carl Icahn đang nắm lại được dịp tăng nhờ cái tin sẽ mua lại cả Mylan Laboratories với giá cao.
Tương tự như vậy, gần đây nhất, với tư cách là cổ đông nắm giữ 3% cổ phiếu của Time Warner, Carl Icahn đã một lần nữa hướng sự chú ý của giới đầu tư chứng khoán phố Wall vào mình. Carl Icahn công khai công kích cả cá nhân Chủ tịch Richard Parsons của Time Warner. Ông sử dụng rất nhiều các phương tiện thông tin đại chúng để chuyển tải ý đồ của mình. Cuộc đọ sức vẫn còn căng thẳng nhưng Carl Icahn đã tập hợp được cả một nhóm nhà đầu tư ủng hộ mình, trong đó có Bruce Wassertstein, Chủ tịch ngân hàng đầu tư Lazard và Frank Biondi, cựu Chủ tịch của Viacom, một trong những đối thủ lớn nhất của Time Warner.
Mục tiêu của Carl Icahn là buộc tập đoàn truyền thông khổng lồ này phải chia nhỏ ra. Qua đó giá cổ phiếu sẽ phải biến động. Và Carl Icahn lại hy vọng rằng mình sẽ được lợi nhờ đó.

Theo Vneconomy )

Tỷ phú gốc Việt chỉ đạo vụ thâu tóm tập đoàn máy tính Dell


[IMG]
Ca sỹ Hà Phương, em gái Cẩm Ly và là vợ của Giám đốc điều hành cao cấp Chính Chu
Mấy tháng nay, nước Mỹ xôn xao với vụ giới đầu cơ tranh nhau quyền kiểm soát tập đoàn máy tính Dell. Một trong những đấu thủ tham gia trận chiến này là tập đoàn tài chính Blackstone Group.
Em rể của ca sỹ Cẩm Ly, ông Chính E. Chu, chính là một trong hai viên tướng chỉ huy cánh quân của tập đoàn Blackstone. Chính Chu hiện giữ chức Giám đốc điều hành cao cấp (Senior Managing Director), và là đồng Chủ tịch Ủy ban đầu tư vốn cổ phần của Blackstone.
"Viên tướng" còn lại là ông David Johnson, trước là Giám đốc Mua bán và Sáp nhập tại chính tập đoàn máy tính Dell. Ông Johnson vừa mới sang đầu quân cho Blackstone từ tháng 1 năm nay.
Năm 2002, Chính Chu kết hôn với ca sỹ Hà Phương, em gái nữ ca sỹ Cẩm Ly. Chính Chu còn được biết đến với tư cách một trong những người gốc Việt hiếm hoi có tài sản trên 1 tỷ đôla Mỹ.
Thành danh ở Blackstone
Blackstone Group là tập đoàn tài chính chuyên đầu tư vốn cổ phần tại Mỹ. Tập đoàn này do cựu Bộ trưởng Thương mại Mỹ Pete Peterson và thuộc cấp Stephen Schwarzman thành lập năm 1985. Tới cuối năm 2012, tổng tài sản do Blackstone quản lý là 210 tỷ USD.
Chính Chu làm việc cho Blackstone từ năm 1990 sau khi rời bộ phận mua bán và sáp nhập của Salomon Brothers.
Ông tâm sự do tốt nghiệp trường không mấy danh tiếng (University of Buffalo, New York) nên ban đầu rất khó xin việc. Cả 15 bộ hồ sơ ông gửi tới các công ty trên Phố Wall đều bị lịch sự từ chối. Nhưng chính thất bại ban đầu ấy lại khiến ông “hứng thú hơn” và quyết tâm theo đuổi ngành đầu tư.
Tại Blackstone, Chính Chu đã “đạo diễn” nhiều vụ đầu tư trong ngành y tế như vụ ReAble Therapeutics mua lại DJ Orthopedics (trị giá 1,6 tỷ USD), vụ hợp vốn mua lại hãng dược Nycomed (2002) và hãng dược Catalent Pharma Solutions (3,3 tỷ USD); hay trong ngành hóa chất và xử lý nước như hai vụ đầu tư vào Celanese (trị giá 3,5 tỷ USD) và Nalco.
Cuối năm 2007, Chính Chu được nhiều tờ báo chú ý sau khi bỏ 33,6 triệu USD để mua lại toàn bộ tầng 89 và một nửa tầng 90 của tòa tháp Trump World Tower. Căn penthouse rộng gần 1.400 m2 này gồm 34 phòng trong đó có 12 phòng ngủ và 16,5 phòng tắm. Chính Chu đã cố gắng mua lại nốt nửa còn lại của tầng 90 nhưng không được.
Vợ chồng Chính Chu – Hà Phương đang điều hành hai quỹ từ thiện Vietnam Relief Effort và Hà Phương Foundation.
Dell mua lại Dell
Dù chưa chốt giá cuối cùng, nhưng mua lại tập đoàn máy tính Dell chắc chắn sẽ là thương vụ đắt giá nhất mà Chính Chu từng thực hiện (trên 25 tỷ USD).
[IMG]
Vợ chồng Chính Chu - Hà Phương trên máy bay của gia đình.
Mọi sự bắt đầu khi nhà sáng lập kiêm C.E.O Michael Dell tính chuyện mua lại toàn bộ cổ phần của tập đoàn máy tính Dell cùng quỹ đầu tư Silver Lake.
Michael Dell tuyên bố nếu tập đoàn Dell không còn là công ty đại chúng, ông sẽ không phải chạy theo các mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn và tập trung hơn cho các chiến lược dài hơi nhằm cạnh tranh với các công ty công nghệ khác như Apple hay Amazon.
Tuy vậy, các cổ đông lớn của Dell như South Eastern Asset Management hay T. Rowe Price Group lại lo ngại họ sẽ bị thiệt hại nặng vì cổ phiếu Dell đang ở mức thấp và cái giá Michael Dell và Silver Lake đưa ra cách quá xa so với giá trị thực (ban đầu Silver Lake chỉ chào mua có 11,22-12,16 USD/cp, hiện giá cp Dell đã lên 14,26 USD/cp).
Đánh hơi thấy mùi máu, giới đầu cơ ngay lập tức nhảy vào cuộc. “Kẻ cướp công ty” Carl Icahn gom cổ phiếu Dell rồi tuyên bố Dell phải đáng giá tới 25 USD/cp. Ông này còn gây áp lực đòi Dell phải trả cổ tức đặc biệt bằng tiền mặt trị giá 9 USD/cp và cho mình một ghế trong hội đồng quản trị.
Nhưng Icahn chỉ là một tay đầu cơ, có lợi thì nhảy vào chứ về cơ bản, ông này không đủ tiềm lực tài chính để một mình nuốt trọn Dell và cũng không đủ khả năng điều hành trong trường hợp một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới rơi vào tay mình.
Trong các vụ thâu tóm trước đây, Icahn thường xé công ty thành nhiều mảnh rồi bán lại kiếm lời, chính vì thế mới bị gắn cái mác “kẻ cướp công ty” và từ lâu vẫn là một nhân vật nhiều thị phi trên Phố Wall.
Nhưng Blackstone của Chính Chu thì khác, vừa danh giá, vừa nhiều tiền lại đầy kinh nghiệm.
Dell xuống nước xin ở lại Dell
[IMG]
Chưa rõ Michael Dell có giữ được ghế sau thương vụ này không
Khi Blackstone nhảy vào, ván bài ngay lập tức đảo ngược và Michael Dell có nguy cơ mất quyền kiểm soát công ty mình đã lập ra cách nay 29 năm trong ký túc xá một trường đại học.
Biết ở thế yếu, từ cuối tháng 3 Michael Dell đã bí mật gặp Chính Chu xin thỏa hiệp. Michael Dell sẽ không bán số cổ phần ông này đang nắm giữ và giúp Blackstone bớt số vốn huy động đi 4,5 tỷ USD nhưng điều kiện là Michael Dell phải giữ được ghế Tổng giám đốc.
Đối tác của Michael Dell trong liên danh là Silver Lake không được thông báo gì về cuộc gặp kể trên.
Hiện cả hai bên liên quan đều từ chối bình luận nhưng có thể cả Carl Icahn, South Eastern Asset Management và T. Rowe Price Group đều sẽ không thoái vốn. Ba cổ đông này đang nắm giữ số cổ phần gần tương đương với Michael Dell, tức phía Blackstone đã có nguồn vốn bù đắp nếu thương thảo với Michael Dell không thành.
Có tin cho biết, Blackstone đã liên hệ mời Chủ tịch Oracle Mark Hurd về thay Michael Dell ngồi ghế CEO trong trường hợp ông này “bất hợp tác”.
Phúc Hưng
Theo TTVN

Read more: http://vfpress.vn/threads/ty-phu-goc-viet-chi-dao-vu-thau-tom-tap-doan-may-tinh-dell.25021/#ixzz2Pxv2rQzD

“Doanh tặc” Carl Icahn


[IMG]
“Doanh tặc” Carl Icahn
Văn phòng làm việc của Carl Icahn tại GM Building (ở khu Manhattan, Mỹ) giống như một viện bảo tàng, thu thập các chiến tích của ông trong 30 năm qua từ những cuộc thâu tóm thù địch nổi tiếng trong giới tài chính.

Chiến tích đó là máy bay mô hình của TWA, cuộc thâu tóm thù địch năm 1985, đã làm tên tuổi của ông nổi như cồn. Sau thương vụ này, ông được biết đến với cái tên “kẻ đột kích” doanh nghiệp. Chiến tích đó còn là những xe lửa đồ chơi từ ACF Industries (công ty sản xuất các toa xe lửa vận chuyển dầu). Những kỷ niệm chương bằng thủy tinh cũng ghi lại hàng loạt cuộc chinh chiến của Icahn liên quan đến nhiều công ty lớn của thế kỷ XX từ MGM cho đến Motorola. Cuộc chinh phục mới đây nhất của ông (đến nay vẫn chưa ngã ngũ) là vụ thâu tóm hãng máy tính Dell.

Đã 77 tuổi, nhưng Icahn chưa bao giờ thấy sung sức hơn thế khi trong 15 tháng qua, ông đã thâu tóm 14 công ty. Con số này đã khiến ông trở thành kẻ đột kích số 1 trong giới kinh doanh.

Icahn từng “đi săn” các trái phiếu có mức độ rủi ro cao. Nhưng sau đó, ông nghĩ ra cách dùng tiền của người khác giống như một quỹ đầu cơ. Những người này sẵn sàng chi cho ông 2,5% khoản đầu tư của họ cùng 25% lợi nhuận kiếm được. Đến năm 2007, Icahn đã quản lý lượng tài sản lên tới 5 tỉ USD. Ông ăn nên làm ra cho đến khi các quỹ của ông lỗ hơn 35% trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế. Ông bị nhà đầu tư chỉ trích và đòi lại tiền.

“Có quá nhiều xung đột khi bạn muốn mua 100% cổ phần một công ty nhưng nhà đầu tư của bạn thì không chịu”, ông cho biết. Vì thế, ông đã trả lại tiền vào năm 2011.

Giờ đây, ông hoàn toàn đơn thương độc mã trong các cuộc đi săn doanh nghiệp nhờ vào tiền của công ty mình - Icahn Enterprises. Icahn Enterprises là công ty đại chúng do ông sở hữu hơn 90% vốn, giá trị tài sản lên tới 24 tỉ USD, trong đó bao gồm cả cổ phần khống chế ở 8 công ty như nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô Federal-Mogul. So với Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffett, thành tích của Icahn rất đáng kể. Kể từ năm 2000, Icahn Enterprises đã tạo ra lợi nhuận lên tới 840% so với 250% của Berkshire.

Trong 4 năm qua, các quỹ đầu tư của Icahn đã mang lại mức lợi nhuận trung bình là 25%/năm. Năm 2012, danh mục đầu tư do ông quản lý (bằng tiền của ông và nhân viên) đã mang lại mức lợi nhuận hơn 20%, nhờ các vụ đặt cược vào Hain Celestial Group và CVR Energy. Năm nay, các quỹ đầu tư của ông cũng đạt được mức tăng lợi nhuận 12% tính đến hết ngày 13.3.2013. Hiện tại, giá trị tài sản ròng của Icahn được Forbes ước tính tới 20 tỉ USD, đưa ông trở thành người giàu nhất Phố Wall.

Nguồn tài sản khổng lồ đã khiến ông trở thành một người cực kỳ nguy hiểm. Giờ ông có thể đi thâu tóm các công ty mà trước đây không ai nghĩ là có thể thâu tóm được. “Ngay lúc này, tôi có thể viết cái séc 10 tỉ USD mà không phải bán bất kỳ tài sản nào để huy động vốn”, ông nói. Tỉ phú Leon Black, đồng sáng lập Apollo Global Management, nhận xét: “Icahn thích cảm giác chiến thắng và rất thích tiền. Ông ấy thông minh và có phần tàn nhẫn”.

Chính quyền lực này của Icahn đã đặt Michael Dell, CEO của Dell, vào thế khó. Hồi tháng 2, Michael Dell đã nghĩ ra cách lấy lại quyền kiểm soát hãng máy tính do ông sáng lập bằng việc bắt tay với công ty đầu tư tư nhân Silver Lake để mua lại Dell (dựa trên vay nợ) với giá 24,4 tỉ USD, tương đương 13,65 USD/cổ phiếu.

Nhưng ý định của Dell đã không thành khi hồi cuối tháng 3, Icahn, đang nắm cổ phần tại Dell trị giá 1 tỉ USD, đã ra giá 15 USD/cổ phiếu để mua lại cổ phần chi phối của Dell. Mức đề nghị này còn cao hơn cả 14,5 USD/cổ phiếu của một ứng viên khác là Blackstone Group. Cuộc chiến thâu tóm chắc chắn sẽ nóng lên trong vài tuần tới và đây là cuộc chơi mà Icahn rất yêu thích.

Quyền lực của Icahn cũng thể hiện rất rõ trong việc lật đổ ông chủ Tập đoàn Dầu khí Chesapeake Energy. Khi thành lập Chesapeake vào năm 1982, Aubrey McClendon đã bí mật điều hành một quỹ đầu cơ riêng và sử dụng số cổ phần ông nắm giữ tại các giếng dầu của Chesapeake để làm tài sản thế chấp vay tiền. Ông cũng đã thực hiện các thương vụ đầu tư rất liều lĩnh dẫn đến khoản nợ khổng lồ ở Chesapeake. Những hành động “lẫn lộn tiền tư công” của McClendon đã bị phanh phui. Cổ phiếu của Chesapeake vì thế mà lao dốc. Tuy nhiên, không ai có thể làm được gì khi vị trí của McClendon tại Tập đoàn đã quá vững chắc. Thế nhưng, mọi việc đã thay đổi khi Icahn nhúng tay vào. Vì thế, McClendon đã bị buộc thôi chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị và rời khỏi vị trí CEO vào ngày 1.4.

Ráo riết đi thâu tóm cổ phiếu trên sàn chứng khoán, giành chân trong hội đồng quản trị và tiếp đó là buộc hội đồng quản trị phải nhường bước. Đây là cách làm của Icahn. Vì thế tâm lý chung của các công ty là không muốn trở thành mục tiêu của ông. Reed Hastings, CEO của hãng công nghệ Netfli, cũng từng như vậy. Nhưng Hastings đã học cách “chấp nhận” Icahn kể từ khi ông mua lại 10% cổ phần của Netflix vào mùa thu năm ngoái. 

Việc Icahn mua lại cổ phần đã buộc Hastings phải áp dụng chiến lược chống thâu tóm “viên thuốc độc” để ngăn Icahn mua thêm cổ phiếu của Netflix. “Nó giống như khai trận trong một bàn cờ vậy. Ông ta đi bước mua cổ phần thì chúng tôi phải áp dụng chiến lược chống thâu tóm. Ban đầu tôi rất e dè ông ấy vì chưa hiểu rõ ông ấy nhưng bây giờ phải nói là tôi rất thích ông ấy”, Hastings cho biết. Icahn thì nói: “Tôi đã bảo với Hastings rằng nếu có người kiếm được tiền cho tôi thì tôi sẽ không bao giờ đấm vào mặt người đó”. 
Nhịp cầu đầu tư


Read more: http://vfpress.vn/threads/%E2%80%9Cdoanh-tac%E2%80%9D-carl-icahn.25081/#ixzz2Pxu50VNg