Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Mỹ - Trung đang "Đi Đêm" trên Biển Đông?

John Richardson, Tham mưu trưởng của Hải quân Hoa Kỳ và Đô đốc Ngô Thắng Lợi, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc

Reuters dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ cho biết, đô đốc John Richardson, Tham mưu trưởng hải quân Mỹ, và người đồng cấp Trung Quốc, đô đốc Ngô Thắng Lợi, sau 90 phút họp bàn qua video trực tuyến ngày 29/10 đã nhất trí áp dụng các quy ước được thiết lập theo Bộ luật về những đụng độ bất ngờ trên biển (CUES). Sự thỏa thuận này diễn ra sau khi Trung Quốc bày tỏ sự tức giận khi Mỹ đưa tàu chiến đến gần các hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trong vùng biển tranh chấp. Nửa đêm 28/10, Bộ ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Hoa Kỳ tại Bắc Kinh đến để nghe lời chỉ trích mạnh mẽ từ phía Trung Quốc.

Theo phía Mỹ, họ đã đề xuất ý tưởng áp dụng CUES cho lực lượng Cảnh sát biển với Ngô Thắng Lợi từ tháng 8/2015: "Chúng tôi đề xuất ý tưởng này với Trung Quốc, bởi vì sự tương tác diễn ra ở Biển Đông chủ yếu là với tàu Cảnh sát biển Trung Quốc",- Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ cho biết. Tư lệnh Cảnh sát biển Hoa Kỳ, Đô đốc Paul Zukunft cũng đã từng sang Trung Quốc trình bày đề xuất này với đối phương.

Ý tưởng này cũng được Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ ủng hộ và thảo luận về khả năng áp dụng CUES cho Cảnh sát biển Trung Quốc, một lực lượng chấp pháp của Chính phủ Trung Quốc, đang hoạt động phi pháp trong hầu hết Biển Đông theo đường yêu sách “lưỡi bò” phi lý của họ.

Động thái này rất đáng lưu ý và hết sức khó hiểu vì:

Thứ nhất, hơn ai hết, Hoa Kỳ thừa biết rằng, về danh nghĩa pháp lý Cảnh sát biển là lực lượng chấp pháp của Chính phủ, làm nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình.

Trong tình hình hiện nay để hợp thức hóa yêu sách “lưỡi bò” phi lý và đầy tham vọng của mình, Trung Quốc đã và đang đẩy lực lượng Cảnh sát biển cùng với đông đảo tàu cá trá hình ra làm “nhiệm vụ chấp pháp” trong vùng biển không thuộc các quyền hợp pháp của họ.

Nếu thừa nhận những hoạt động phi pháp này, dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù là vô tình hay cố ý, cũng đều rơi vào bẫy của Trung Quốc: Mặc nhiên thừa nhận yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông

Thứ hai, nếu Mỹ - Trung bắt tay hợp tác với nhau ở Biển Đông thì họ sẽ hợp tác trong phạm vi nào? Trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam? Trong vùng biển quốc tế trên Biển Đông hay trên toàn bộ Biển Đông với phạm vi đường lưỡi bò?

Nếu hợp tác với cái cớ "tránh va chạm, đối đầu khi chạm trán bất ngờ" ở bất kỳ vùng biển nào Cảnh sát biển Trung Quốc xuất hiện thì dù vô tình hay hữu ý, động thái này khó tránh khỏi sự mặc nhiên thừa nhận yêu sách chủ quyền phi lý cũng như phạm vi hoạt động sai trái của Trung Quốc. 

Thứ ba, trên Biển Đông, Trung Quốc có lực lượng Cảnh sát biển hùng hậu nhất khu vực với 95 tàu lớn và 110 tàu nhỏ, vượt xa Nhật Bản với 53 tàu lớn và 25 tàu nhỏ cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác cộng lại. Phương thức hoạt động của chúng đã được chính các học giả nước này công khai đặt tên là chiến lược bắp cải/chiến lược cờ vây/chiến lược tằm ăn dâu.

Bước đầu tiên là lực lượng tàu cá trá hình (dân quân biển) được Trung Quốc tung ra các vùng biển mà họ nhảy vào tranh chấp để hoạt động. Tiếp đến là các tàu Cảnh sát biển thống nhất từ 5 lực lượng khác nhau với trang bị tàu thuyền, pháo nước, thậm chí là vũ khí hiện đại để "tuần tra" xung quanh những khu vực họ nhảy vào tranh chấp, chủ động tạo ra tranh chấp, thậm chí là khủng hoảng.

Điển hình như vụ giàn khoan 981 năm ngoái hay các đảo nhân tạo bồi lấp bất hợp pháp ở Trường Sa năm nay. Sớm hơn nữa là vụ Trung Quốc dùng 2 lực lượng này gây sự cố, chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012. Tàu hải quân Trung Quốc sẽ lượn lờ gần đó, sẵn sàng phối hợp, can thiệp khi xảy ra tình huống hoặc khi đối phương sập bẫy Bắc Kinh.

Do đó, có thể thấy rõ bản chất hoạt động của Cảnh sát biển, dân quân biển và tàu cá Trung Quốc trá hình ở những vùng biển nước này nhảy vào tranh chấp trên Biển Đông, bao gồm phạm vi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, rõ ràng là một lực lượng bạo lực trá hình, vũ trang trá hình nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò phi lý.

Nay Hoa Kỳ đặt vấn đề hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc, phải chăng muốn gián tiếp thừa nhận các hoạt động leo thang gây hấn của lực lượng này ở Biển Đông?

Tại sao Mỹ lại đưa ra ý tưởng này trong lúc chính Đô đốc Scott Swift thừa nhận, các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực đang rất hoang mang, phẫn nộ trước hành vi leo thang bồi lấp, xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Trường Sa và đòi hỏi Hoa Kỳ cam kết mạnh mẽ chống Trung Quốc bành trướng?

Đúng lúc ấy ông Scott Swift lại nói rằng, nên duy trì quan hệ tích cực với Trung Quốc, ủng hộ ý tưởng hợp tác với Cảnh sát biển Trung Quốc ở Biển Đông? Thật khó có thể nắm bắt rõ mục đích, ý đồ thực sự của người Mỹ ở Biển Đông là gì.

Thứ tư, một chi tiết nữa cũng cần hết sức lưu ý, mọi thông tin về việc Trung Quốc xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa phi pháp ở Trường Sa từ khi bắt đầu cho đến nay đều do Mỹ "độc quyền" công bố ở những thời điểm có lựa chọn và cân nhắc kỹ.

Người Mỹ không nói, dư luận thế giới và khu vực có lẽ không thể biết hoặc biết tường tận như hiện nay. Điều này cho thấy Mỹ đang hoàn toàn chủ động trên bàn cờ Biển Đông.

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm nay về việc sẵn sàng điều máy bay quân sự, chiến hạm đi qua không phận và vùng biển phạm vi 12 hải lý vùng biển, vùng trời quốc tế xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Trường Sa, cho đến nay cũng mới chỉ qua 1 lần đầu tiên thực hiện nhằm thăm dò phản ứng từ Trung Quốc.

Trong khi đó, phía Trung Quốc tiếp tục công khai thách thức dư luận và luật pháp quốc tế với phát biểu rằng "không có tự do hàng không, hàng hải cho tàu chiến và máy bay".

Bởi vậy, các bên liên quan trong đó có Việt Nam cần tỉnh táo theo dõi các diễn biến tiếp theo trên Biển Đông để có đối sách phù hợp, tránh trở thành quân cờ trong bàn tay nước lớn khi họ đổi chác các lợi ích chiến lược ở Biển Đông."

Nguyễn An Ninh
Cộng tác viên Google.tienlang
====================

CẢ TRUNG QUỐC LẪN HOA KỲ ĐỀU HÀNH ĐỘNG VÌ QUYỀN LỢI CỦA CHÍNH MÌNH

Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang diễn ra cuộc cạnh tranh địa chính trị giành quyền kiểm soát Đông Nam Á, — chuyên viên Đông phương học nổi tiếng của Nga từ ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg, GS-TSKH Vladimir Kolotov nhận xét trên báo sputniknews ngày 28/10, trước khi diễn ra cuộc đàm phán giữa các quan chức Hải quân Mỹ- Trung. 

"Cả bên này lẫn bên kia đều bảo vệ chỉ lợi ích riêng của mình, cố gắng sử dụng các nước vừa và nhỏ tại khu vực Đông Nam Á. Bảo vệ tự do hàng hải là cái cớ mà người Mỹ đang dùng rất thành thạo để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực. Và một phần đáng kể các nước vừa và nhỏ của khu vực Đông Nam Á đang ủng hộ tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực, vì họ cho rằng  bằng cách như vậy sẽ có thể bảo vệ mình trước Trung Quốc. Tôi  cho rằng điều đó sẽ không xảy ra.  

Khi phát biểu những tuyên bố chống Trung Quốc, Hoa Kỳ nâng cao vai trò của Washington trong mắt cư dân và các chính trị gia Đông Nam Á, và song hành gia tăng hiện diện của Mỹ. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, chúng ta thấy rằng chính Hoa Kỳ đã hiệp lực với người Trung Quốc trong việc thiết lập quyền kiểm soát với cả hai quần đảo thuộc Việt Nam — là Hoàng Sa vào năm 1974, và Trường Sa vào năm 1988. Chính họ đã tạo ra tình trạng này, và bây giờ Hoa Kỳ đâu có công nhận các quần đảo này là của Việt Nam?. Đối với các nước vừa và nhỏ của khu vực, điều quan trọng trên hết không phải là tự do hàng hải mà là chủ quyền, còn đối với Hoa Kỳ thì quan trọng là tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực này của thế giới. Bảo vệ tự do hàng hải chỉ là cái cớ để khoe vũ khí và trò chơi cơ bắp.

Theo nhãn quan ​​của tôi, kịch bản có thể  nhất của diễn biến sự kiện, mà điều này cũng đã được các chuyên viên Việt Nam viết rõ, — sẽ là cuộc "đi đêm"- đàm phán bí mật giữa  người Trung Quốc và người Mỹ. Tính đến kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cùng sự đan xen lẫn nhau về lợi ích, họ sẽ không đi tới xung đột nghiêm trọng, sẽ không đổ máu của người Trung Quốc cũng như người Mỹ. Cả hai nước đều đang lợi dụng tình hình này để giành ảnh hưởng trong khu vực Đông Nam Á, Hoa Kỳ — với một số nước, còn Trung Quốc — với số nước khác.  Áp lực địa chính trị sẽ càng tăng, và điều đó rất nguy hại đối với chủ quyền của các nước trong khu vực".

GS-TSKH Vladimir Kolotov, ĐHTH Quốc gia Saint-Peterburg, Nga 

ĐỤNG ĐỘ QUÂN SỰ MỸ- TRUNG CHẮC CHẮN KHÔNG XẢY RA

Đụng độ quân sự hiện thực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong Biển Đông sẽ không xảy ra, — đó là nhận định của nhà sử học Việt Nam, PGS-TS Vũ Quang Hiển từ Đại học Quốc gia Hà Nội:

“Hoa Kỳ sẽ không chống Trung Quốc, bởi có những ràng buộc quá chặt chẽ, trước hết là về kinh tế. Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng Mỹ vào Biển Đông vì ủng hộ quyền lợi của Việt Nam, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Nhưng không phải thế. Người Mỹ luôn luôn chỉ bảo vệ lợi ích của họ, và trong trường hợp này họ quan ngại đảm bảo tự do hàng hải, tự do lưu thông vận chuyển thương mại đường biển. Bởi ¼ dòng lưu thông hàng hóa qua eo biển Malacca là gửi đến Hoa Kỳ”.

PGS-TS Vũ Quang Hiển, Đại học Quốc gia Hà Nội 

(Google.tienlang)

Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

Nguyễn Xuân Nghĩa: Mối nguy cho Trung Quốc không là TPP

Ngân sách địa phương mới nhức đầu...




Chúng ta chưa biết Hội Nghị Ban Chấp Hành Trung Ương Kỳ Năm của Khóa 12 sẽ bàn thảo những gì về kế hoạch năm năm sắp tới của kinh tế Trung Quốc, từ 2016 đến 2020. Mà có biết thì cũng bằng thừa vì kết quả vẫn là một nghị quyết ba bốn phải, cái gì cũng có và cũng làm. Văn kiện đảng luôn luôn có lý vì bao gồm nhiều việc, còn thực hiện được hay không lại là chuyện khác.

Chúng ta càng không biết được lãnh đạo Trung Quốc muốn làm những gì vì mỗi cấp lại bật ra một số tín hiệu, rằng đảng sẽ cho thi hành việc này hay việc kia, và các tín hiệu ấy bật ra nhiễu âm khó nghe và khó hiểu. Thí dụ như sẽ chuyển hướng theo quy luật thị trường và cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hoặc sẽ khắc phục mọi khó khăn để nâng mức tiêu thụ nội địa làm lực đẩy, v.v...

Một số “nhà quan sát Tây phương” - chủ yếu là cái loa của các tổ hợp đầu tư - còn say đắm mô hình phát triển kinh tế của Bắc Kinh, hoặc vẫn muốn chiêu mộ khách hàng bỏ tiền vào thị trường Trung Quốc, thì mạnh dạn nói đến sức cảnh tỉnh của Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP giữa 12 quốc gia, nên vội kết luận rằng Trung Quốc cũng sẽ cải cách để sẽ gia nhập.

Hàng ngày, hàng tuần, những ai quan tâm đến kinh tế và chính trị Trung Quốc đều phải tiêu hóa loại thông tin đa chiều và khó nuốt này.

Nhưng nếu không mắc bệnh Sợ Tầu thì ta có thể nhìn ra một vấn đề khác. Mối nguy cho kinh tế và lãnh đạo Trung Quốc chưa phải là Hiệp Ước TPP của 12 nước trên vành cung Thái bình dương. Mối nguy đó là trái bóng địa ốc và ngân sách địa phương. Trái bóng là kinh tế và ngân sách là chính trị.

Trung Quốc bị nạn bong bóng gia cư địa ốc nổi lên từ đầu năm 2013, đụng cao điểm và bắt đầu xì từ đầu năm 2014. Người ta đo lường trái bóng ở giá nhà mới trong các khu gia cư - khác với giá cao ốc thương mại chẳng hạn. Giá nhà loại mới đã tăng vọt rồi tuột dốc từ 2014.

Ai học phép “ăn cây nào rào cây nấy” thì nhắc đến sự phục hồi kể từ đầu năm 2015.

Họ nói không sai vì lấy giá gia cư tại các thành phố thuộc lớp một, như Thượng Hải hay Bắc Kinh, để chứng minh sự hồi phục kể từ Tháng Sáu vừa qua. Nhưng cố quên tình hình các thành phố thuộc lớp hai, lớp ba hay lớp tư, tại những khu vực hẻo lánh, thưa dân và thiếu hạ tầng cơ sở. Nơi đây thị trường chưa hồi phục, giá nhà vẫn sụt và số dự án mua đất xây nhà thì giảm một phần ba. Nói nôm na là số nhà ế vẫn còn quá nhiều, giá dù hạ vẫn chưa bán hết. Mà nhiều dự án xây dựng dở dang vẫn phải hoàn tất, là xây nốt, xây thêm và được tính ra đà tăng trưởng của tổng sản lượng.

Đấy là chuyện kinh tế, thật ra cũng chẳng khác những gì đã thấy tại Hoa Kỳ hay Âu Châu trong các năm 2006-2008.

Nhưng kinh tế cũng là chính trị và tại Trung Quốc, chính trị mới là động lực chỉ đạo.

Từ năm 1994, hệ thống ngân sách Trung Quốc đã trải qua thời “đổi mới”: trung ương giảm dần sự chu cấp cho các địa phương. Chính quyền trung ương thu được phân nửa nguồn thu thuế khóa, mà chỉ tài trợ khoảng 20% của số tổng chi trên toàn quốc. Theo triết lý chính trị của Bắc Kinh, “nhà nước mạnh” có nghĩa là trung ương mạnh. Từ đấy, các chính quyền địa phương mới thường xuyên bị thiếu hụt ngân sách và Bắc Kinh phát huy sáng tạo bằng nguyên tắc... quen quen: “đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân (nhưng) do nhà nước thống nhất quản lý.” Và trung ương trao quyền quản lý ấy cho các đảng bộ và nhà nước địa phương.

Nhờ vậy, bán đất thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương. Bán cho ai với giá biểu ra sao là điều có thể thương thảo được nếu có quan hệ tốt. Việc quản lý ấy là nguồn thu về thuế khóa cho các địa phương và giải quyết được khoảng 40% nhu cầu về ngân sách, nhưng dẫn tới tham nhũng, lạm dụng và cả nạn cướp đất. Việt Nam Cộng Sản không sáng tạo ra điều gì vì học thói đó từ Bắc Kinh.

Khi cư dân bị cướp đất và biểu tình phản đối tại rất nhiều tỉnh thành địa phương thì trung ương bèn sửa sai. Mà sửa không được vì phép vua thua lệ làng, hay quan trên ở xa mà bản nha ở gần. Hiện nay, đất đai vẫn đóng góp tới 38% cuả nhu cầu ngân sách các tỉnh.

Và chính là hệ thống quản lý được ủy quyền cho các địa phương mới dẫn đến nạn bong bóng đầu tư trên thị trường gia cư địa ốc.

Các địa phương ghìm đất để nống giá, nhờ đó có thêm nguồn tài trợ ngân sách. Và giá tăng khiến nhà nhà đều lao vào việc xây nhà để kiếm lời. Họ chạy theo bóng ảo mà ở trên vẫn vỗ đầu khen tốt vì các dự án xây cất tạo công ăn việc làm cho các địa phương và thu hút các ngành sản xuất vật liệu xây cất. Người ta cứ nói rằng trong có mươi năm, Trung Quốc sản xuất ra một lượng xi măng cao gấp ba gấp năm tổng số xi măng của Hoa Kỳ trong cả thế kỷ!

Kết quả, báo chí nói rằng kinh tế Trung Quốc sẽ bắt kịp Hoa Kỳ, các đảng viên địa phương thì thăng quan tiến chức nhờ tạo ra phép lạ kinh tế. Trong khi sự kỳ diệu với màu sắc Trung Hoa là những thành phố ma, xây lên mà không có người ở.

Trong đà thi đua xây cất đó, nhà nước địa phương còn sáng tạo với nghệ thuật huy động vốn. Họ lập ra các công ty đầu tư của địa phương, vay tiền các ngân hàng của nhà nước ở địa phương và được khuyến khích đi vay nhờ lãi suất rẻ do quan hệ tốt với quan chức địa phương. Và khi thế giới bị nạn tổng suy trầm 2008-2009 thì chánh sách ấy rất phải đạo vì trung ương mở vòi tín dụng để kích thích sản xuất. Vả lại, giá nhà giá đất càng tăng thì tài sản thế chấp để vay tiền càng lên giá, cho phép các công ty đầu tư này vay nhiều hơn, thực hiện dự án quy mô hơn, v.v...

Cho tới khi bóng xì, giá sụt thì các địa phương mất nguồn thu ngân sách và phải trả nợ, là chuyện hôm nay.

Kinh tế học lại còn có một nguyên lý tiếp nhận từ kỹ nghệ bảo hiểm là hiện tượng “ỷ thế làm liều,” thuật ngữ chuyên môn gọi là “moral hazard.” Vì công ty của nhà nước địa phương vay tiền của ngân hàng cũng của nhà nước ở địa phương nên có rủi ro gì thì nhà nước cũng sẽ nhảy ra cấp cứu. Trung ương không thể nào để một chính quyền địa phương bị phá sản nên có gì thì cũng sẽ bơm tiền cấp cứu. Huống hồ, chủ trương mới của lãnh đạo là giúp dân tăng mức lợi tức để nâng tiêu thụ làm lực đẩy thay cho đầu tư và xuất cảng.

Khốn nỗi trung ương còn sáng tạo hơn vậy. Thay vì bơm tiền vào khu vực gia cư địa ốc bị suy sụp thì ta cho bơm tiền vào thị trường cổ phiếu. Trái bóng gia cư bị xì thì đã có trái bóng cổ phiếu. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc mới tăng 150% từ năm ngoái và bắt đầu sụt kể từ giữa Tháng Sáu... Trong khi đó, ngoài nan đề trả nợ, việc tài trợ ngân sách địa phương vẫn còn nguyên vẹn.

Vì vậy, mối nguy hiện nay cho lãnh đạo chưa phải là sự quyến rũ của Hiệp Ước TPP khiến Con Đường Tơ Lụa có thể là con đường ma. Mối nguy đó là làm sao cải cách hệ thống tài chánh công để tái lập trật tự và trách nhiệm của chính quyền trung ương và các tỉnh.

Truyện dài kinh tế chính trị Trung Quốc chưa thể kết thúc!

Nguyễn-Xuân Nghĩa

(Người Việt)

Công ty BVI: Anh là ai?

British Virgin Islands (BVI) là một quần đảo trên vùng biển Caribê với diện tích vài trăm km2 và dân số khoảng 22.000 người...


British Virgin Islands (BVI) là một quần đảo trên vùng biển Caribê với diện tích vài trăm km2 và dân số khoảng 22.000 người. 

BVI vốn là thuộc địa của Anh, nay là khu vực tự trị. Để cho khu vực tự trị xa xôi của mình có thu nhập và cũng để thu hút vốn nước ngoài, chính quyền Anh tạo một cơ chế mở về kinh doanh và đầu tư tại BVI với những điều kiện về kinh doanh, chính sách thuế khác biệt so với chính sách áp dụng tại chính quốc.

Vì lẽ này, mặc dù với diện tích và số dân rất nhỏ bé nhưng có tới hơn 800.000 doanh nghiệp nước ngoài đã được thành lập tại BVI. Một nửa trong số này vẫn đang hoạt động. Nguồn thu từ việc cấp phép thành lập và chi phí duy trì công ty chiếm hơn nửa trong GDP của BVI, tạo cho thu nhập bình quân đầu người tại BVI lên đến gần 40.000 Đô la Mỹ/năm.

Dù không có con số thống kê chính thức nhưng số lượng doanh nghiệp được thành lập tại BVI (gọi tắt là công ty BVI) để đầu tư vào Việt Nam chắc chắn chiếm con số rất lớn. Tại Trung Quốc, công ty BVI đầu tư vào đây chỉ đứng sau Hồng Kông.

Thành lập công ty tại BVI để đầu tư sang một nước khác có điều gì hấp dẫn đến vậy?

Lợi thế của công ty BVI

Thứ nhất, phải nói đến chính sách thuế. Công ty BVI và cổ đông không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào đánh vào thu nhập công ty, vào cổ phần, chứng khoán hay lợi nhuận từ việc chuyển nhượng cổ phần hay cổ tức.

Ngoài ra, cũng không có bất kỳ loại thuế nào đánh vào tài sản thừa kế hay tài sản tặng từ cổ đông hay của công ty cho một bên thứ ba. Vì vậy, BVI được coi là thiên đường về thuế (tax haven) nơi nghĩa vụ tài chính của công ty với chính quyền, nếu có, chỉ là phí thành lập và duy trì công ty hàng năm.

Ở đây có một điểm lưu ý quan trọng là để được hưởng chính sách miễn thuế, công ty BVI không được quyền kinh doanh với tổ chức, cá nhân nội địa. Các công ty BVI được thành lập chỉ cho mục đích hoạt động kinh doanh ngoài lãnh thổ BVI mà thôi.

Thứ hai, hình thức doanh nghiệp đa dạng, bao gồm công ty TNHH, công ty cổ phần (theo nghĩa của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam) có hay không có vốn điều lệ, công ty TNHH/cổ phần được thành lập bởi cam kết thanh toán của cổ đông (guaranteed company), công ty trách nhiệm vô hạn...

Thứ ba, thủ tục thành lập dễ dàng. Đạo luật điều chỉnh công ty hiện hành tại BVI là Đạo luật công ty kinh doanh BVI năm 2004 (BVI Business Companies Act 2004). Đạo luật này được coi là một trong những đạo luật về công ty trao nhiều quyền định đoạt cho các bên và ít quy định bắt buộc của cơ quan quản lý nhất thế giới. Về cơ bản, các bên có quyền thỏa thuận mọi điều khoản trong điều lệ (articles of association) và thỏa thuận thành lập (memorandum of association) sao cho đáp ứng đúng nhu cầu của các bên khi thành lập một doanh nghiệp.

Ví dụ, Đạo luật công ty BVI cho phép công ty:

(i) được thành lập với tối thiểu một cổ đông và một thành viên hội đồng quản trị;

(ii) công ty không cần phải có thư ký (cơ quan có chức năng gần giống ban kiểm soát theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam);

(iii) không có yêu cầu về vốn pháp định hoặc phải duy trì mức vốn tối thiểu nào đó;

(iv) cổ phần có thể có hoặc không có mệnh giá, được phát hành theo bất kỳ loại tiền tệ nào hoặc bởi nhiều loại tiền tệ đồng thời;

(v) cổ phiếu có thể là ghi danh hoặc không ghi danh (bất kỳ người nào giữ cổ phiếu là cổ đông công ty);

(vi) không phải lập sổ sách công ty và không phải nộp sổ sách này cho cơ quan đăng ký;

(vii) không phải nộp báo cáo tài chính hàng năm;

(viii) các bên có quyền tự thỏa thuận về tỷ lệ số phiếu cần thiết để tổ chức cuộc họp và thông qua một nghị quyết hay quyết định;

(ix) công ty có quyền mua lại cổ phần của mình mà không có hạn chế...

Ngoài ra, tại BVI cũng không có bất kỳ quy định nào về quản lý ngoại hối.

Thứ tư, lệ phí thành lập và duy trì công ty thấp. Lệ phí thành lập thông thường là 350 Đô la Mỹ và lệ phí duy trì hàng năm là số tiền tương tự. Thù lao cho công ty luật hoặc công ty tư vấn giúp thành lập công ty vào khoảng từ 1.000 - 1.500 Đô la. Việc thành lập công ty cũng nhanh chóng, trong vòng hai đến ba ngày. Nếu sử dụng dịch vụ của công ty luật hoặc công ty tư vấn thì có thể thành lập công ty ngay trong ngày.

Thứ năm là tính bí mật về danh tính cổ đông. Khi thành lập, công ty BVI phải nộp văn kiện thành lập công ty, bao gồm thỏa thuận thành lập và điều lệ cho cơ quan đăng ký tại BVI (Registry of Corporate Affairs) và công chúng có quyền tiếp cận các văn kiện này. Tuy nhiên luật không yêu cầu các bên phải nêu trong văn kiện thành lập thông tin về cổ đông, thành viên hội đồng quản trị hay quan chức khác. Ngoài ra, luật cũng cho phép các bên được chỉ định người đứng tên thay mình (nominee) là cổ đông hay thành viên hội đồng quản trị trong công ty. Như vậy, về cơ bản chủ sở hữu/cổ đông công ty hoàn toàn nặc danh với thế giới bên ngoài.

Một số lưu ý cho Việt Nam

Vì những điều kiện thông thoáng trong việc thành lập và hoạt động công ty nên có nhiều quan ngại về hoạt động không hợp lệ của công ty BVI. Cụ thể như sau:

Rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố. Đã có rất nhiều cáo buộc trên thế giới rằng nhiều công ty BVI được thành lập để phục vụ cho hành vi rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố.

Trốn thuế. Cổ đông công ty BVI có thể trốn thuế bằng cách chuyển lợi nhuận về công ty BVI mà không khai báo về lợi tức với cơ quan thuế nơi cổ đông cư trú. Để đối phó với tình trạng này, Liên hiệp châu Âu (EU) đã thỏa thuận với một số khu vực thiên đường thuế (bao gồm cả BVI) về việc chia sẻ thông tin về lợi nhuận của cư dân EU tại các khu vực này. Theo đó, hoặc các khu vực trên chia sẻ thông tin chi tiết về tài khoản và lợi nhuận của cư dân EU cho nước thành viên EU hoặc phải áp mức thuế khấu trừ tại nguồn là 20% trên lợi tức mỗi cá nhân. Khu vực thiên đường thuế sẽ trực tiếp thu khoản 20% này và sau đó chuyển cho nước thành viên EU nơi cư dân đó cư trú.

Chuyển giá (transfer pricing). Lợi nhuận sẽ được chuyển về BVI chứ không phải nơi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Lấy ví dụ một công ty kinh doanh xuất nhập khẩu gạo A tại Việt Nam thành lập ở BVI hoặc Singapore (cũng được coi là thiên đường về thuế) một công ty B. Lẽ thường khi có khách hàng C đặt hàng thì A sẽ bán hàng trực tiếp cho C và A sẽ nộp thuế cho cơ quan thuế Việt Nam.

Tuy nhiên, để tránh thuế, A sẽ bán hàng cho công ty con của mình là B với mức giá bằng hoặc cao hơn một chút so với giá vốn. Sau đó B sẽ bán lại cho C với giá thỏa thuận (vốn cao hơn rất nhiều giá A bán cho B). Lợi nhuận từ giao dịch này, vì lẽ đó, sẽ nằm ở thiên đường thuế BVI hoặc Singapore. Trường hợp chuyển giá cũng được áp dụng tương tự khi một bên nước ngoài bán hàng cho một bên Việt Nam nhưng thông qua một giao dịch trung gian với một công ty BVI.

Thao túng. Các công ty BVI thường được thành lập cho một mục đích cụ thể nào đó, có thể là hợp pháp như sở hữu một khối tài sản nhất định, niêm yết trên thị trường nước ngoài, tránh tai tiếng (nếu có) với công ty mẹ hay có thể là mục đích bất hợp pháp. Trong vụ phá sản của Enron năm 2001, Ban giám đốc Enron trước đó đã thành lập một số doanh nghiệp tại BVI nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu của Enron. Cuộc khủng hoảng thế chấp nhà đất của Mỹ gần đây cũng lộ ra rằng nhiều nợ xấu của ngân hàng đã được chuyển cho công ty BVI thành viên để bảo đảm sổ sách kế toán của ngân hàng mẹ là sạch (ngân hàng vẫn tiếp tục có lãi nhưng thực tế thì đang lỗ nặng).

Lừa đảo. Vì lý do thành lập và giải thể quá dễ dàng cũng như tính hữu hạn và nặc danh của cổ đông, công ty BVI có thể được thành lập để phục vụ cho mục đích lừa đảo. Ở Việt Nam đã xảy ra một vụ theo đó bên đối tác mua hàng đã dành được một số tín nhiệm ban đầu của bên bán Việt Nam. Khi ký kết hợp đồng mua bán, bên mua hàng cũng sử dụng đúng tên mà mình thường giao dịch với bên Việt Nam.

Chỉ có một điểm khác biệt duy nhất là trong hợp đồng công ty mua lại là công ty được thành lập tại BVI mà không phải là công ty mẹ tại chính quốc. Bên bán không biết về việc này mà giao hàng cho công ty BVI. Sau khi nhận xong hàng, công ty BVI bỗng bốc hơi. Việc truy đòi trách nhiệm của công ty BVI cũng như đối tác giao dịch ban đầu (công ty mẹ) là điều hoàn toàn không khả thi cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn cho công ty Việt Nam.

Vì một số quan ngại như trên, doanh nghiệp và nhà quản lý Việt Nam nên cẩn trọng hơn về mặt pháp lý và nghĩa vụ tài chính đối với công ty có nguồn gốc BVI.

* Một số quốc gia/vùng lãnh thổ được coi là thiên đường về thuế:

Antigua và Barbuda, Bahamas, Bermuda, BVI, Cyprus, Hồng Kông, Isle of Man, Jersey, Liechtenstein, Macau, Mauritius, Monaco, Panama, quần đảo Cayman, Singapore, tiểu bang Delaware Hoa Kỳ, Thụy Sỹ, United States Virgin Islands.

TS. Nguyễn Quốc Vinh (TBKTSG)


Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

Những chiêu thức kiếm tiền và “rửa tiền” ở Trung Quốc

Chúng tôi trích đăng lại thông tin từ tờ “Tuần báo Kinh tế Trung Quốc” ngày 2/8/2011 viết với nhan đề “Bí ẩn sau bức màn rửa tiền của công ty nước ngoài ở Trung Quốc”, viết cùng với bài học thành công thu hút FDI, Trung Quốc cũng có bài học về phòng chống “rửa tiền” của công ty nước ngoài. Đây cũng là bài học cho tất cả các nền kinh tế đang phát triển. Không ít nhà đầu tư Trung Quốc đã học những bài học này để tiến hành đầu tư vào các nước đang phát triển khác phục vụ mục đích kinh tế chính trị của mình ra ngoài biên giới của mình

Số liệu của Trung Quốc cho biết trong hơn 30 năm kể từ năm 1980 khi tiến hành chính sách “cải cách và mở cửa” tới cuối năm 2006, Trung Quốc đã thu hút được FDI lên tới 685,4 tỉ USD vào trên 590.000 hạng mục công trình, đứng đầu bảng các nước đang phát triển và đứng thứ 5 thế giới. Chính sách mở cửa mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không ít tiêu cực từ bên ngoài dội vào

Báo cáo thu hút FDI Quí 1/2004 của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong “Top-10″ các nước và khu vực đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc cho thấy Virgin Islands tiếp tục đứng thứ 2 với 16 tỉ USD, Cayman Islands vươn lên đứng thứ 5 với trên 3,1 tỉ USD và quốc đảo Samoa vươn lên thứ 8 với 2,6 tỉ USD.

Ba quốc đảo này có diện tích nhỏ xíu trên Thái Bình Dương và Vịnh Caribe. Diện tích của Virgin Islands chỉ có 344 km2, Cayman Islands 259 km2 và Samoa 196 km2. Tổng dân số ba quốc đảo này chỉ mấy vạn người và tiềm lực kinh tế hầu như chẳng có gì. Vậy thì, vì sao các quốc đảo này lại nhiều công ty giàu có “lắm tiền, nhiều của” đầu tư vào Trung Quốc đến như vậy? Đây chính là điều mà các cơ quan đặc trách của Trung Quốc đặt dấu hỏi nghi vấn.

Các nhà chức trách đã theo dõi việc Virgin IslandsCayman Islands và Samoa đầu tư các khoản tiền đáng kể để lập công ty liên doanh hoặc công ty độc lập trên đất Trung Quốc. Chính sách đăng ký lập công ty của ba quốc đảo này rất dễ dàng. Bởi vậy, số tiền mà tham nhũng tuồn ra ra nước ngoài là lập rất nhiều  công ty trên ba quốc đảo này, trong đó nhiều “công ty ma” không hề sản xuất kinh doanh. Mục đích của các công ty ma nói trên là tìm cách đưa tiền vào Trung Quốc để kinh doanh kiếm lời.

Do các liên doanh hoặc công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhất là miễn giảm thuế, điều kiện sản xuất kinh doanh, nhập khẩu nguyên vật liệu và các thủ tục hành chính giấy tờ, đăng ký đều được đơn giản hóa. Một chủ đầu tư nước ngoài có thể thông qua các “công ty đại diện” ở Trung Quốc để tiến hành đăng ký kinh doanh. Thời gian đăng ký cũng rất nhanh chóng tiện lợi. Chỉ cần mất 20 ngày làm việc kể từ khi nạp đơn và hồ sơ là có thể lấy được giấy phép kinh doanh.

“Tuần báo Kinh tế Trung Quốc” dẫn phát biểu của quan chức thành phố Bắc Kinh cho biết tại thành phố này có tới hơn 70 “công ty đại diện” của ba quốc đảo nói trên. Lệ phí làm thủ tục đăng ký cũng rất “mềm”.  Lệ phí của Công ty đại diện quốc đảo Virgin Islands ở Bắc Kinh là 8.000 nhân dân tệ (CNY), của Công ty  đại diện Cayman Islands là 20.000 CNY vì Công ty này có thể lên sàn giao dịch ở  thị trường chứng khoán một số nơi như Mỹ, Hong Kong và Anh.

Các “chiêu” kiếm lời cũng rất nhiều và rất tinh vi. Điển hình là  một số “chiêu” như sau:

1- Tìm mọi cách trốn lậu thuế
Tìm cách trốn lậu thuế là chiêu thường thấy của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, nhất là các công ty của ba đảo quốc nói trên. Chi Cục thuế tỉnh Hà Nam cho biết tháng 8/2010, Công ty Shine B Holdings Limited do Goldman Sachs thành lập 3/2006 ở Virgin Islands đã đã trốn thuế chừng 420 triệu CNY, khoản tiền lẽ ra phải nạp cho tỉnh này. Rất nhiều trường hợp chuyển nhượng trên do các công ty ở ba quốc đảo trên được tiến hành ở nước ngoài để trốn lậu thuế.

 2- “Lỗ giả lãi thật”
Đây là chiêu thường thấy của các công ty nước ngoài đăng ký ở ba quốc đảo trên làm ăn không chính đáng ở Trung Quốc. Năm 2007, Cục thống kê nhà nước đã tiến hành đợt điều tra đối với công ty liên doanh và công ty vốn đầu tư độc lập nước ngoài cho thấy 2/3 số công ty này khai báo bị thua lỗ đều không bình thường. Công ty nước ngoài có vốn đăng ký tại Virgin Islands  đã tiến hành lập  Công ty liên doanh A ở tỉnh Hà Bắc với vốn đăng ký 250 triệu CNY, tổng kim ngạch đầu tư là 300 triệu CNY chuyên kinh doanh sản xuất các linh kiện ô tô. Kể từ khi thành lập công ty này chuyên lỗ hoặc lãi rất ít, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Qua điều tra, Cục thuế phát hiện thấy công ty liên doanh này nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về với giá rất cao, nhưng khi bán sản phẩm với giá rất hạ cho công ty nước ngoài bao tiêu. Chủ Công ty liên doanh A là người nước ngoài và cũng chính là chủ hãng bán nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm là ở ngoài nước. Lỗ trên đất Trung Quốc nên không phải nạp thuế hoặc nạp không đáng kể, còn lãi tuồn ra nước ngoài không phải nạp thuế. Hai ông chủ này “tuy hai mà một”. Bằng “chiêu” này, nhiều công ty nước ngoài đã kiếm lời khá lớn qua thủ đoạn “lỗ giả lãi thật”. Rất nhiều công ty nước ngoài do kẻ chạy trốn ra nước ngoài lập ra đã rửa tiền ở trong nước theo chiêu này.

Kể từ tháng 3/2011, có tới 19 trong số 24 công ty Trung Quốc kiểu này lên sàn giao dịch tại Thị trường chứng khoán Mỹ đã bị tước bỏ giấy phép kinh doanh do tài chính có vấn đề.

3- “Nuốt đất đai tài nguyên” 
Viện Kiểm sát ở Bắc Kinh cho biết rất nhiều công ty nước ngoài đã tìm cách “nuốt đất đai tài nguyên” của Trung Quốc qua chiêu bài liên doanh đầu tư. Nhiều công ty nước ngoài lập liên doanh theo kiểu phía Trung Quốc cấp đất đai, nước ngoài bỏ vốn rồi tính theo tỉ lệ 50%. Thời gian qua, nhà chức trách đã phát hiện rất nhiều trường hợp “phía Trung Quốc và phía nước ngoài” trên thực tế cùng trực thuộc một ông chủ. Phó Tổng giám đốc Công ty vận tải viễn dương Thanh Đảo Tống Quân cùng công ty nước ngoài lập liên doanh,  trong đó Công ty vận tải viễn dương Thanh Đảo cấp đất và công ty nước ngoài đầu tư 22 triệu USD, tính theo tỉ lệ 50%. Nhưng thực tế cái gọi là “Công ty nước ngoài” chính là do Tống Quân tham ô tài sản lập ra và hai công ty nhưng chỉ là một ông chủ . Với chiêu này, chỉ trong thời gian ngắn, Tống Quân đã bỏ túi tới 7 triệu USD.

4- Tìm mọi cách lách luật
Tháng 10/2005, Cục quản lý ngoại tệ ban hành “Quy định quản lý ngoại tệ đối với công ty và tư nhân trong nước thông qua công ty nước ngoài góp vốn đầu tư về nước kinh doanh” gọi là “Văn kiện số 75″. Tiếp đó năm 2006, sáu cơ quan nhà nước gồm Bộ Thương mại, Ủy ban quản lý tài nguyên, Tổng cục thuế, Cục công thương, Cục quản lý ngoại tệ và Hội đồng chứng giám cùng ban hành “Quy định về công ty nước ngoài thu mua sáp nhập công ty trong nước trên đất Trung Quốc”, gọi là “Văn kiện số 10″. Nhưng rất nhiều công ty nước ngoài, nhất là các công ty đăng ký tại ba quốc đảo trên, đều tìm cách lách quy định này một cách dễ dàng. Các công ty nước ngoài không đứng ra thu mua sáp nhập mà để các công ty trong nước tiến hành,  trong khi đó họ lập ra “công ty ma” thực chất chỉ có vỏ mà không có lõi, để tiến hành mua lại ở nước ngoài chứ không mua trên đất Trung Quốc. Như vậy vốn của các công ty trong nước tiếp tục tuồn ra nước ngoài theo con đường này.

Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Bạn vàng: Khi tư bản cần tiền cộng sản

Nhìn từ góc độ sự kiện và báo chí, ngày đầu của chuyến thăm cấp nhà nước đưa ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tới Anh là ngày trời đẹp khác thường.


Hôm qua thứ Ba, trời mùa thu ở London có chút nắng chứ không mưa ào ạt như hôm nay.

Nhờ thế mà đoàn xe ngựa sơn son thiếp vàng của Hoàng gia Anh chở vị thượng khách Trung Quốc vào Điện Buckingham long lanh hẳn lên.

Báo Anh cũng nhìn ngắm trang phục của bà Bành Lệ Viện, ca sỹ mang quân hàm cấp tướng Quân Giải phóng, và so sánh với bộ áo đỏ thắm của Kate, Nữ Công tước xứ Cambridge, phu nhân của Hoàng tử William.

Bà Bành thay mấy bộ đồ nhưng đều là màu kem, màu sáng, còn cô Kate mặc màu đỏ trong bữa quốc yến.

Có tờ báo chạy tựa 'Kate's little red look' (xem trên trang The Sun ở dưới).

Câu này ngoài nghĩa đen là 'váy đỏ' còn ám chỉ giới quý phái Anh 'liếc duyên với nước Trung Hoa Đỏ'.

Nhưng khi bước vào lâu đài Westminster, ông Tập không nói 'Đảng ta, nhân dân ta' mà nhắc đến câu "dân vi quý" của Trung Hoa cổ đại để tỏ ra không lép vế trước sự uy nghi của nền dân chủ lâu đời tại Anh.

Bài phát biểu của ông bằng tiếng Trung toát lên vẻ nhã nhặn và nếu có chút gì tỏ ra uy quyền thì đã bị lời dịch của một phụ nữ Anh làm mềm hẳn đi.

Nét mặt ông David Cameron khi ngồi nghe không được thoải mái, tự nhiên.

Chủ tịch Quốc hội Anh, ông John Bercow khi đón chào ông Tập đã nhắc khéo "vị khách châu Á trước ngài được mời phát biểu tại đây là bà Aung San Suu Kyi".

Ông Tập không nói được tiếng Anh nên có vẻ giữ ý trong các tình thế bắt tay, chào và chụp ảnh chung.

Bên cần tiền...

          
                          Chủ tịch Tập phát biểu trước Lưỡng viện Quốc hội Anh hôm 20/10

Sang ngày thứ Tư, trời London đổ mưa và tin về vụ hãng thép vốn Ấn Độ, Tata Group sa thải vài nghìn nhân viên tại Anh sau khi đổ lỗi cho "hàng rẻ nhập về từ Trung Quốc" đã chiếm lĩnh báo chí, truyền hình.

Nói cho công bằng, cảnh "tư bản đi cầu cạnh cộng sản" để nhận tiền đầu tư không phải chỉ xảy ra với Anh.

Theo báo The Guardian, trước Anh thì Pháp và Đức cũng đã mong có được "quan hệ đặc biệt" để nhận đầu tư, đơn đặ̣t hàng từ quốc gia hơn một tỷ dân.

Trang Telegraph điểm ra các công trình hợp tác Anh - Trung từ xe bus chạy điện đến công viên giải trí Paramount Pictures, nhà máy điện hạt nhân Hickley Point...tổng cộng trên 46 tỷ USD.

Nhìn chung, Trung Quốc đã đầu tư trên khắp nơi và chuyện vào Anh xem ra không lạ.

Ta biết ơn hàng trăm triệu người dân Trung Quốc còng lưng trong hàng vạn công xưởng mỗi ngày để kéo đoàn tàu kinh tế toàn cầu chạy không ngừng.

Anh có thoát suy thoái kinh tế nhưng các vấn đề cơ bản vẫn còn.

Như sự mất cân đối Nam - Bắc về kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính George Osborne hy vọng đưa hỏa xa cao tốc của Trung Quốc vào nối khu đô thị phía Bắc nước Anh, nơi các ngành truyền thống như dệt may, khai khoáng, điện than sa sút từ hàng chục năm qua.

Ông Osborne đã bị giới thức giả phê là "đặt cược vào Bắc Kinh nhiều quá" khi mà kinh tế Trung Quốc đang có các dấu hiệu nguy hiểm.

Hiện điều gây tranh cãi nhất là quyết định cho Trung Quốc tham gia dự án điện hạt nhân Hinkley ở Somerset, miền nam nước Anh.

Nhưng nhìn vào các hình ảnh đăng tải, ai cũng thấy, nhà máy Hinkley đã quá cũ kỹ vì dùng công nghệ của thập niên 1960.

                Nhà máy điện hạt nhân Hinkley đã quá cũ kỹ, dùng công nghệ của thập niên 1960

Kế hoạch hiện đại hóa cơ sở này bao năm nay bàn mãi mà không xong vì cả Anh và đối tác Pháp đều thiếu tiền.

Nay, Trung Quốc sẽ tham gia chừng 1/3 vốn, gây ra quan ngại về an ninh năng lượng.
Về mặt truyền thông, chuyến đi gây ngạc nhiên nhưng cũng là dịp để báo giới Anh nêu ra các chủ đề nhân quyền, tự do tôn giáo ở Trung Quốc.

Đài BBC trong ngày đã chạy một phóng sự của John Sudworth, phóng viên từ Thượng Hải, không rõ bằng cách nào mà đến được một tu viện của các nhà sư Tây Tạng ủng hộ Dalai Lama để nêu chuyện cấm đoán tôn giáo tại Trung Quốc.

Trong khi báo chí Hong Kong viết về chuyến thăm của ông Tập sang Anh, BBC Tiếng Trung lấy bình luận từ cả những thanh niên trong phong trào Ô Vàng.

                  BBC phỏng vấn nhà đấu tranh Trần Quang Thành trước Điện Buckingham

Có lẽ cảm thấy báo chí Anh không 'tâm phục khẩu phục' trang Hoàn Cầu cảnh báo đừng trông đợi quan hệ 'bạn vàng' (golden friendship) biến thành 'cuộc tình nở rộ' (full-blown love affair) giữa Trung Quốc và Anh.

Vì có vẻ như chuyến hiện ra chất nhu cầu thực dụng quá rõ của hai bên.

Chưa kể, như Willy Lam bình luận từ Hong Kong, Trung Quốc rất mong chuyến thăm của ông Tập 'thành công' sau chuyến thăm sang Hoa Kỳ bị cho là không ra sao.

...bên cần hào nhoáng

Nhưng dù sao thì nhu cầu cần Trung Quốc là có thật ở Anh.

Vì Anh có trình độ công nghệ nhưng thiếu cả tiền và nhân lực (bởi lao động bản địa già đi) để làm các dự án lớn.


                    Bộ trưởng Osborne muốn đưa công nghệ xe lửa Trung Quốc vào Anh

Mà đối tác có hai thứ đó là Trung Quốc.

Nếu không nhanh chân thì dân Trung Quốc cũng lão hóa, sức sản xuất giảm.

Phái mời mọc đầu tư từ Trung Quốc có lẽ đã nghĩ vậy nên hơi vồn vã quá, khiến một phần dư luận thấy lố.

Còn về các giá trị của cuộc sống thì phần vốn nhỉnh hơn vẫn đang thuộc về Anh và một số nước châu Âu.

Cũng không phải từ bây giờ giới giàu có từ Nga, Trung Đông và Trung Quốc mới thích sang Anh làm ăn, sinh sống.

Ngoài môi trường sống còn khá sạch, có trật tự, nhân quyền, pháp quyền, Anh vẫn giữ các nghi lễ cổ kính tạo ra cho người giàu cảm giác được làm sang.

Ở các nước Nga và Trung Quốc vốn đã diệt hết hoàng gia thì nhu cầu hoài cổ này lại còn cao hơn nữa.

Nhớ lại Hoàng đế Phổ Nghi đã từng bị bắt cho đi cải tạo rồi buộc phải vào Đảng để chứng tỏ nước Trung Hoa Mới ưu việt.

                              Báo chí Hong Kong viết về chuyến thăm của ông Tập sang Anh

Nay thì cả hai vợ chồng ông Tập Cận Bình, cặp đôi cộng sản cao cấp nhất Trung Quốc, lại rất thoải mái thụ hưởng các lễ lạt 'phong kiến' tại Điện Buckingham.

Nên chăng ta cứ coi như họ chỉ muốn có thêm một trải nghiệm thú vị như đi thăm bảo tàng hay trường quay Hollywood mà thôi.

Vì thế giới này sau một thời nháo nhào thì các thứ tân và cựu hóa ra lại bổ sung cho nhau, đôi khi nghịch cảnh, đôi khi hài hòa.

Đằng sau đó thì luôn luôn là chuyện đồng tiền đi liền quan hệ mà thời nào cũng thế.

Nguyễn Giang

bbcvietnamese.com

(BBC)