Chúng tôi trích đăng lại thông tin từ tờ “Tuần báo Kinh tế Trung Quốc” ngày 2/8/2011 viết với nhan đề “Bí ẩn sau bức màn rửa tiền của công ty nước ngoài ở Trung Quốc”, viết cùng với bài học thành công thu hút FDI, Trung Quốc cũng có bài học về phòng chống “rửa tiền” của công ty nước ngoài. Đây cũng là bài học cho tất cả các nền kinh tế đang phát triển. Không ít nhà đầu tư Trung Quốc đã học những bài học này để tiến hành đầu tư vào các nước đang phát triển khác phục vụ mục đích kinh tế chính trị của mình ra ngoài biên giới của mình
Số liệu của Trung Quốc cho biết trong hơn 30 năm kể từ năm 1980 khi tiến hành chính sách “cải cách và mở cửa” tới cuối năm 2006, Trung Quốc đã thu hút được FDI lên tới 685,4 tỉ USD vào trên 590.000 hạng mục công trình, đứng đầu bảng các nước đang phát triển và đứng thứ 5 thế giới. Chính sách mở cửa mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng không ít tiêu cực từ bên ngoài dội vào
Báo cáo thu hút FDI Quí 1/2004 của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết trong “Top-10″ các nước và khu vực đầu tư lớn nhất vào Trung Quốc cho thấy Virgin Islands tiếp tục đứng thứ 2 với 16 tỉ USD, Cayman Islands vươn lên đứng thứ 5 với trên 3,1 tỉ USD và quốc đảo Samoa vươn lên thứ 8 với 2,6 tỉ USD.
Ba quốc đảo này có diện tích nhỏ xíu trên Thái Bình Dương và Vịnh Caribe. Diện tích của Virgin Islands chỉ có 344 km2, Cayman Islands 259 km2 và Samoa 196 km2. Tổng dân số ba quốc đảo này chỉ mấy vạn người và tiềm lực kinh tế hầu như chẳng có gì. Vậy thì, vì sao các quốc đảo này lại nhiều công ty giàu có “lắm tiền, nhiều của” đầu tư vào Trung Quốc đến như vậy? Đây chính là điều mà các cơ quan đặc trách của Trung Quốc đặt dấu hỏi nghi vấn.
Các nhà chức trách đã theo dõi việc Virgin Islands, Cayman Islands và Samoa đầu tư các khoản tiền đáng kể để lập công ty liên doanh hoặc công ty độc lập trên đất Trung Quốc. Chính sách đăng ký lập công ty của ba quốc đảo này rất dễ dàng. Bởi vậy, số tiền mà tham nhũng tuồn ra ra nước ngoài là lập rất nhiều công ty trên ba quốc đảo này, trong đó nhiều “công ty ma” không hề sản xuất kinh doanh. Mục đích của các công ty ma nói trên là tìm cách đưa tiền vào Trung Quốc để kinh doanh kiếm lời.
Do các liên doanh hoặc công ty nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhất là miễn giảm thuế, điều kiện sản xuất kinh doanh, nhập khẩu nguyên vật liệu và các thủ tục hành chính giấy tờ, đăng ký đều được đơn giản hóa. Một chủ đầu tư nước ngoài có thể thông qua các “công ty đại diện” ở Trung Quốc để tiến hành đăng ký kinh doanh. Thời gian đăng ký cũng rất nhanh chóng tiện lợi. Chỉ cần mất 20 ngày làm việc kể từ khi nạp đơn và hồ sơ là có thể lấy được giấy phép kinh doanh.
“Tuần báo Kinh tế Trung Quốc” dẫn phát biểu của quan chức thành phố Bắc Kinh cho biết tại thành phố này có tới hơn 70 “công ty đại diện” của ba quốc đảo nói trên. Lệ phí làm thủ tục đăng ký cũng rất “mềm”. Lệ phí của Công ty đại diện quốc đảo Virgin Islands ở Bắc Kinh là 8.000 nhân dân tệ (CNY), của Công ty đại diện Cayman Islands là 20.000 CNY vì Công ty này có thể lên sàn giao dịch ở thị trường chứng khoán một số nơi như Mỹ, Hong Kong và Anh.
Các “chiêu” kiếm lời cũng rất nhiều và rất tinh vi. Điển hình là một số “chiêu” như sau:
1- Tìm mọi cách trốn lậu thuế
Tìm cách trốn lậu thuế là chiêu thường thấy của các công ty nước ngoài ở Trung Quốc, nhất là các công ty của ba đảo quốc nói trên. Chi Cục thuế tỉnh Hà Nam cho biết tháng 8/2010, Công ty Shine B Holdings Limited do Goldman Sachs thành lập 3/2006 ở Virgin Islands đã đã trốn thuế chừng 420 triệu CNY, khoản tiền lẽ ra phải nạp cho tỉnh này. Rất nhiều trường hợp chuyển nhượng trên do các công ty ở ba quốc đảo trên được tiến hành ở nước ngoài để trốn lậu thuế.
2- “Lỗ giả lãi thật”
Đây là chiêu thường thấy của các công ty nước ngoài đăng ký ở ba quốc đảo trên làm ăn không chính đáng ở Trung Quốc. Năm 2007, Cục thống kê nhà nước đã tiến hành đợt điều tra đối với công ty liên doanh và công ty vốn đầu tư độc lập nước ngoài cho thấy 2/3 số công ty này khai báo bị thua lỗ đều không bình thường. Công ty nước ngoài có vốn đăng ký tại Virgin Islands đã tiến hành lập Công ty liên doanh A ở tỉnh Hà Bắc với vốn đăng ký 250 triệu CNY, tổng kim ngạch đầu tư là 300 triệu CNY chuyên kinh doanh sản xuất các linh kiện ô tô. Kể từ khi thành lập công ty này chuyên lỗ hoặc lãi rất ít, nhưng vẫn hoạt động kinh doanh bình thường. Qua điều tra, Cục thuế phát hiện thấy công ty liên doanh này nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài về với giá rất cao, nhưng khi bán sản phẩm với giá rất hạ cho công ty nước ngoài bao tiêu. Chủ Công ty liên doanh A là người nước ngoài và cũng chính là chủ hãng bán nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm là ở ngoài nước. Lỗ trên đất Trung Quốc nên không phải nạp thuế hoặc nạp không đáng kể, còn lãi tuồn ra nước ngoài không phải nạp thuế. Hai ông chủ này “tuy hai mà một”. Bằng “chiêu” này, nhiều công ty nước ngoài đã kiếm lời khá lớn qua thủ đoạn “lỗ giả lãi thật”. Rất nhiều công ty nước ngoài do kẻ chạy trốn ra nước ngoài lập ra đã rửa tiền ở trong nước theo chiêu này.
Kể từ tháng 3/2011, có tới 19 trong số 24 công ty Trung Quốc kiểu này lên sàn giao dịch tại Thị trường chứng khoán Mỹ đã bị tước bỏ giấy phép kinh doanh do tài chính có vấn đề.
3- “Nuốt đất đai tài nguyên”
Viện Kiểm sát ở Bắc Kinh cho biết rất nhiều công ty nước ngoài đã tìm cách “nuốt đất đai tài nguyên” của Trung Quốc qua chiêu bài liên doanh đầu tư. Nhiều công ty nước ngoài lập liên doanh theo kiểu phía Trung Quốc cấp đất đai, nước ngoài bỏ vốn rồi tính theo tỉ lệ 50%. Thời gian qua, nhà chức trách đã phát hiện rất nhiều trường hợp “phía Trung Quốc và phía nước ngoài” trên thực tế cùng trực thuộc một ông chủ. Phó Tổng giám đốc Công ty vận tải viễn dương Thanh Đảo Tống Quân cùng công ty nước ngoài lập liên doanh, trong đó Công ty vận tải viễn dương Thanh Đảo cấp đất và công ty nước ngoài đầu tư 22 triệu USD, tính theo tỉ lệ 50%. Nhưng thực tế cái gọi là “Công ty nước ngoài” chính là do Tống Quân tham ô tài sản lập ra và hai công ty nhưng chỉ là một ông chủ . Với chiêu này, chỉ trong thời gian ngắn, Tống Quân đã bỏ túi tới 7 triệu USD.
4- Tìm mọi cách lách luật
Tháng 10/2005, Cục quản lý ngoại tệ ban hành “Quy định quản lý ngoại tệ đối với công ty và tư nhân trong nước thông qua công ty nước ngoài góp vốn đầu tư về nước kinh doanh” gọi là “Văn kiện số 75″. Tiếp đó năm 2006, sáu cơ quan nhà nước gồm Bộ Thương mại, Ủy ban quản lý tài nguyên, Tổng cục thuế, Cục công thương, Cục quản lý ngoại tệ và Hội đồng chứng giám cùng ban hành “Quy định về công ty nước ngoài thu mua sáp nhập công ty trong nước trên đất Trung Quốc”, gọi là “Văn kiện số 10″. Nhưng rất nhiều công ty nước ngoài, nhất là các công ty đăng ký tại ba quốc đảo trên, đều tìm cách lách quy định này một cách dễ dàng. Các công ty nước ngoài không đứng ra thu mua sáp nhập mà để các công ty trong nước tiến hành, trong khi đó họ lập ra “công ty ma” thực chất chỉ có vỏ mà không có lõi, để tiến hành mua lại ở nước ngoài chứ không mua trên đất Trung Quốc. Như vậy vốn của các công ty trong nước tiếp tục tuồn ra nước ngoài theo con đường này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét