Thứ Tư, 21 tháng 10, 2015

Bạn vàng: Khi tư bản cần tiền cộng sản

Nhìn từ góc độ sự kiện và báo chí, ngày đầu của chuyến thăm cấp nhà nước đưa ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện tới Anh là ngày trời đẹp khác thường.


Hôm qua thứ Ba, trời mùa thu ở London có chút nắng chứ không mưa ào ạt như hôm nay.

Nhờ thế mà đoàn xe ngựa sơn son thiếp vàng của Hoàng gia Anh chở vị thượng khách Trung Quốc vào Điện Buckingham long lanh hẳn lên.

Báo Anh cũng nhìn ngắm trang phục của bà Bành Lệ Viện, ca sỹ mang quân hàm cấp tướng Quân Giải phóng, và so sánh với bộ áo đỏ thắm của Kate, Nữ Công tước xứ Cambridge, phu nhân của Hoàng tử William.

Bà Bành thay mấy bộ đồ nhưng đều là màu kem, màu sáng, còn cô Kate mặc màu đỏ trong bữa quốc yến.

Có tờ báo chạy tựa 'Kate's little red look' (xem trên trang The Sun ở dưới).

Câu này ngoài nghĩa đen là 'váy đỏ' còn ám chỉ giới quý phái Anh 'liếc duyên với nước Trung Hoa Đỏ'.

Nhưng khi bước vào lâu đài Westminster, ông Tập không nói 'Đảng ta, nhân dân ta' mà nhắc đến câu "dân vi quý" của Trung Hoa cổ đại để tỏ ra không lép vế trước sự uy nghi của nền dân chủ lâu đời tại Anh.

Bài phát biểu của ông bằng tiếng Trung toát lên vẻ nhã nhặn và nếu có chút gì tỏ ra uy quyền thì đã bị lời dịch của một phụ nữ Anh làm mềm hẳn đi.

Nét mặt ông David Cameron khi ngồi nghe không được thoải mái, tự nhiên.

Chủ tịch Quốc hội Anh, ông John Bercow khi đón chào ông Tập đã nhắc khéo "vị khách châu Á trước ngài được mời phát biểu tại đây là bà Aung San Suu Kyi".

Ông Tập không nói được tiếng Anh nên có vẻ giữ ý trong các tình thế bắt tay, chào và chụp ảnh chung.

Bên cần tiền...

          
                          Chủ tịch Tập phát biểu trước Lưỡng viện Quốc hội Anh hôm 20/10

Sang ngày thứ Tư, trời London đổ mưa và tin về vụ hãng thép vốn Ấn Độ, Tata Group sa thải vài nghìn nhân viên tại Anh sau khi đổ lỗi cho "hàng rẻ nhập về từ Trung Quốc" đã chiếm lĩnh báo chí, truyền hình.

Nói cho công bằng, cảnh "tư bản đi cầu cạnh cộng sản" để nhận tiền đầu tư không phải chỉ xảy ra với Anh.

Theo báo The Guardian, trước Anh thì Pháp và Đức cũng đã mong có được "quan hệ đặc biệt" để nhận đầu tư, đơn đặ̣t hàng từ quốc gia hơn một tỷ dân.

Trang Telegraph điểm ra các công trình hợp tác Anh - Trung từ xe bus chạy điện đến công viên giải trí Paramount Pictures, nhà máy điện hạt nhân Hickley Point...tổng cộng trên 46 tỷ USD.

Nhìn chung, Trung Quốc đã đầu tư trên khắp nơi và chuyện vào Anh xem ra không lạ.

Ta biết ơn hàng trăm triệu người dân Trung Quốc còng lưng trong hàng vạn công xưởng mỗi ngày để kéo đoàn tàu kinh tế toàn cầu chạy không ngừng.

Anh có thoát suy thoái kinh tế nhưng các vấn đề cơ bản vẫn còn.

Như sự mất cân đối Nam - Bắc về kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính George Osborne hy vọng đưa hỏa xa cao tốc của Trung Quốc vào nối khu đô thị phía Bắc nước Anh, nơi các ngành truyền thống như dệt may, khai khoáng, điện than sa sút từ hàng chục năm qua.

Ông Osborne đã bị giới thức giả phê là "đặt cược vào Bắc Kinh nhiều quá" khi mà kinh tế Trung Quốc đang có các dấu hiệu nguy hiểm.

Hiện điều gây tranh cãi nhất là quyết định cho Trung Quốc tham gia dự án điện hạt nhân Hinkley ở Somerset, miền nam nước Anh.

Nhưng nhìn vào các hình ảnh đăng tải, ai cũng thấy, nhà máy Hinkley đã quá cũ kỹ vì dùng công nghệ của thập niên 1960.

                Nhà máy điện hạt nhân Hinkley đã quá cũ kỹ, dùng công nghệ của thập niên 1960

Kế hoạch hiện đại hóa cơ sở này bao năm nay bàn mãi mà không xong vì cả Anh và đối tác Pháp đều thiếu tiền.

Nay, Trung Quốc sẽ tham gia chừng 1/3 vốn, gây ra quan ngại về an ninh năng lượng.
Về mặt truyền thông, chuyến đi gây ngạc nhiên nhưng cũng là dịp để báo giới Anh nêu ra các chủ đề nhân quyền, tự do tôn giáo ở Trung Quốc.

Đài BBC trong ngày đã chạy một phóng sự của John Sudworth, phóng viên từ Thượng Hải, không rõ bằng cách nào mà đến được một tu viện của các nhà sư Tây Tạng ủng hộ Dalai Lama để nêu chuyện cấm đoán tôn giáo tại Trung Quốc.

Trong khi báo chí Hong Kong viết về chuyến thăm của ông Tập sang Anh, BBC Tiếng Trung lấy bình luận từ cả những thanh niên trong phong trào Ô Vàng.

                  BBC phỏng vấn nhà đấu tranh Trần Quang Thành trước Điện Buckingham

Có lẽ cảm thấy báo chí Anh không 'tâm phục khẩu phục' trang Hoàn Cầu cảnh báo đừng trông đợi quan hệ 'bạn vàng' (golden friendship) biến thành 'cuộc tình nở rộ' (full-blown love affair) giữa Trung Quốc và Anh.

Vì có vẻ như chuyến hiện ra chất nhu cầu thực dụng quá rõ của hai bên.

Chưa kể, như Willy Lam bình luận từ Hong Kong, Trung Quốc rất mong chuyến thăm của ông Tập 'thành công' sau chuyến thăm sang Hoa Kỳ bị cho là không ra sao.

...bên cần hào nhoáng

Nhưng dù sao thì nhu cầu cần Trung Quốc là có thật ở Anh.

Vì Anh có trình độ công nghệ nhưng thiếu cả tiền và nhân lực (bởi lao động bản địa già đi) để làm các dự án lớn.


                    Bộ trưởng Osborne muốn đưa công nghệ xe lửa Trung Quốc vào Anh

Mà đối tác có hai thứ đó là Trung Quốc.

Nếu không nhanh chân thì dân Trung Quốc cũng lão hóa, sức sản xuất giảm.

Phái mời mọc đầu tư từ Trung Quốc có lẽ đã nghĩ vậy nên hơi vồn vã quá, khiến một phần dư luận thấy lố.

Còn về các giá trị của cuộc sống thì phần vốn nhỉnh hơn vẫn đang thuộc về Anh và một số nước châu Âu.

Cũng không phải từ bây giờ giới giàu có từ Nga, Trung Đông và Trung Quốc mới thích sang Anh làm ăn, sinh sống.

Ngoài môi trường sống còn khá sạch, có trật tự, nhân quyền, pháp quyền, Anh vẫn giữ các nghi lễ cổ kính tạo ra cho người giàu cảm giác được làm sang.

Ở các nước Nga và Trung Quốc vốn đã diệt hết hoàng gia thì nhu cầu hoài cổ này lại còn cao hơn nữa.

Nhớ lại Hoàng đế Phổ Nghi đã từng bị bắt cho đi cải tạo rồi buộc phải vào Đảng để chứng tỏ nước Trung Hoa Mới ưu việt.

                              Báo chí Hong Kong viết về chuyến thăm của ông Tập sang Anh

Nay thì cả hai vợ chồng ông Tập Cận Bình, cặp đôi cộng sản cao cấp nhất Trung Quốc, lại rất thoải mái thụ hưởng các lễ lạt 'phong kiến' tại Điện Buckingham.

Nên chăng ta cứ coi như họ chỉ muốn có thêm một trải nghiệm thú vị như đi thăm bảo tàng hay trường quay Hollywood mà thôi.

Vì thế giới này sau một thời nháo nhào thì các thứ tân và cựu hóa ra lại bổ sung cho nhau, đôi khi nghịch cảnh, đôi khi hài hòa.

Đằng sau đó thì luôn luôn là chuyện đồng tiền đi liền quan hệ mà thời nào cũng thế.

Nguyễn Giang

bbcvietnamese.com

(BBC)

Không có nhận xét nào: