Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Sống có Đức mặc sức mà ăn


Ở các miền quê của Việt Nam, không biết từ lúc nào bà con ta lại có những phong tục cúng bái, dâng mâm lễ vật cùng thắp nén hương dâng lên ông bà Tổ Tiên. Một phong tục tập quán luôn tồn tại sau những lũy tre làng, nó làm ấm lòng người sống khi tưởng nhớ về những người thân yêu đã khuất, đã chìm vào cỏ cây hoa lá... Những lần đám giỗ là những lần gia đình nhắc cho con cháu luôn nhớ đến những đấng sinh thành: "Vì ai mà có ta?"
Những lễ hội, đám giỗ... đó là những việc nhớ ơn thật cao cả và thiêng liêng... không nhà nào ở quê không có bàn thờ tổ tiên, khi vào nhà ta luôn thấy bàn thờ đặt ngay vị trí tôn nghiêm nhất, có thể gia đình đó mái tranh vách đất nhưng bàn thờ luôn nằm trang trọng ngay giữa nhà. Đến ngày đơm tháng giỗ có tiền thì làm đôi ba mâm mời bà con lối xóm, không có tiền thì thắp nén hương nhớ ngày. Âu dưới suối vàng ơn trên cũng về và chứng giám tấm lòng thành của con cháu dâng lên cho ông bà tổ tiên... Một nén nhang và tấm lòng thành còn hơn mâm cao cổ đầy mà sống giả tạo, lời nói khác xa với hành động, nói thì hay mà làm thì quá tệ.
Ba tôi luôn dạy con cái: Ba của các con luôn tâm niệm, khi ông mệ còn sống có gì ngon thì hãy cho ông mệ ăn. Hãy chăm sóc ông bà khi họ còn sống, chứ khi chết rồi không cần mâm cao cỗ đầy, có tiền thì làm lớn, không có thì thắp nén hương... Chăm lo đấng sinh thành để rồi khi họ qua đời ta không hỗ thẹn vì bất hiếu, vì mình chưa chăm sóc tốt hơn.
Ở quê thì rất nhiều đám giỗ, một tháng có khi đi liền mấy đám. Bà con hay ví đi ăn đám hỏi và đi ăn giỗ là sướng nhất vì không tốn tiền đi mừng, đám hỏi thì tới không vì có nhà trai mang lễ vật đến rồi. Đám giỗ thì cao lắm là thẻ nhang và chai rượu, tới ăn giỗ quá trời xôi và thịt, tha hồ đánh chén mà chẳng mất gì của mình. Nói vậy chứ miếng ăn mà, ta đi ăn hoài thì ta cũng phải trả, bà con họ mời mình không lẽ đến khi gia đình ta lại không làm gì để mời họ? Những điều như vậy đôi khi sinh ra tiêu cực, đám giỗ không còn là nhớ ơn mà là sự đua đòi, khoe khoang sự giàu có của mình. Đám giỗ mà làm to hơn đám cưới, mấy chục mâm... mời đủ thành phần quan khách, tiệc tùng đánh chén ầm cả một xóm. Dần dà họ biến cái đám giỗ thành tiệc thu tiền mừng.
Cuộc sống càng đi lên thì kéo theo bao cái thay đổi, cuộc sống thoát khỏi cái cơ cực, những gia đình đói khổ chạy gạo bữa thôi không còn nữa. Lúc này cái việc ăn uống cũng dần dần nhẹ nhàng đi, không đặt nặng chuyện ham ăn ham uống. Khi làm tiệc gia chủ phải chọn lựa đối tượng để mời đến dự, rồi quan khách được gia chủ mời trân trọng mời nên mới đến chung vui, cái này gọi là "được ăn". Những vị được ăn như vậy thì còn gì bằng... ăn uống mà mặt gia chủ tươi cười vui vẻ, ăn mà không sợ ai coi khinh là kẻ tham ăn, đôi khi khách ăn no rồi nhưng gia chủ cố ép họ ăn tiếp, khách ăn càng nhiều thì gia chủ càng vui hơn.
Chúng ta hay xem phim thế giới động vật, cái ăn khác đi nhiều, kẻ mạnh ăn kẻ yếu, xé xác chúng ta rồi ngấu nghiến, kẻ yếu bao giờ cũng làm mồi ngon cho kẻ mạnh... và cái đó đến giờ con người đã trãi qua sự tiến hóa những vẫn còn một phần động vật trong đó, từ cái ăn mà sinh ra tranh chấp khiến con người hận thù nhau, đâm chém nhau, tàn sát lẫn nhau. Rồi cái ăn đó nó ám ảnh con người biến họ thành kẻ mê muội, luôn muốn mình ăn được những món ngon.
Có thể họ là người có học thức, có trình độ và địa vị xã hội... nhưng miếng ăn làm họ mờ mắt đi, họ quên đi cái tâm tốt trong mình. Cái ăn đã biến họ thành một kẻ đê tiện xấu xa... kẻ "xôi thịt" chuyên muốn đi ăn mà chẳng chịu làm việc tốt, ăn vô lại còn ngậm máu phun người, coi đồng tiền là trên hết. Dẫn đến chia cắt tình làng nghĩa xóm, miệng thì phun toàn lời ngọc ngà hoa bướm, nhưng bên trong thì toàn dao găm hay lưỡi lam để xé tan hoang sự đầm ấm, yêu thương.
Tôi tuy tuổi còn nhỏ, nhưng chưa bao giờ ngậm máu phun người, đi chia cắt gia đình người khác hay gây mâu thuẫn nội bộ làng quê. Đôi khi những việc tôi làm là gắn kết hạnh phúc gia đình người khác mà còn bị chửi ngược, họ cảm ơn việc tôi làm bằng việc không tôn trọng tôi. Đôi khi tôi tự hỏi: Tại sao tôi phải đi làm những việc như vậy? Họ lớn hơn tôi, sống lâu hơn tôi ở trần gian này, chắc chắn họ già đời hơn tôi... thiết gì phải cần tôi chen chân vô hàn gắn.
Cái đa cảm, thương người nằm sâu trong tôi không cho phép mình nhìn thấy vậy, thấy gia đình họ tan nát làm tôi không đành lòng. Mà nghĩ cũng hay tôi nào phải cha xứ hay ông Bụt, chuyện vui thì họ đâu nhớ mình, có chuyện buồn lại kể cho tôi nghe, rồi nhờ tôi khuyên giúp. Nhiều vị nghe qua nói tôi kể công kể trạng... chán lắm. Sau những lần tôi cố giúp thì những kẻ "xôi thịt" lại đâm chọc tôi... đi kể người này người kia công tội của tôi... làm vậy làm gì ta?
Sống càng lâu với đời càng có nhiều kẻ "xôi thịt" xuất hiện, chúng không chỉ ở làng quê mà ở ngày những thành phố lớn, chúng ở khắp mọi nơi.
Ăn của chùa phải quét lá đa
Ăn của ngon mặc của tốt
Ăn của người phải làm việc cho người
Ăn của người ta rồi ra phải trả
Ăn của người vâng hộ người
Ăn của rừng rưng rưng nước mắt
Ăn cùng chó ló xó cùng ma
Trong cuộc sống ai cũng phải lao động thật nhiều để mong cuộc sống được ăn sung mặc sướng, tuy nhiên có người may mắn thì kiếm được nhiều tiền hơn, miếng ăn luôn ngon hơn... còn những người cố gắng ăn tằn ăn tiện nhưng vẫn nghèo hoàn nghèo, ăn bữa sáng lại lo cho bữa tối, chạy gạo ăn từng bữa. Nhưng sự nghèo giàu bên cạnh phải cật lực lao động ra còn có cái phước đức của sự ăn ở của mình, sống có khẩu Phật mà tâm xà không? Sống có đi phá gia đình người khác không? Ông bà xưa dạy mà: "ở đời có ĐỨC mặc sức mà ăn"
Có những câu chuyện kể ra mà thật đau lòng, cháu đánh ông đánh bà. Khi họ về già nằm yên một chỗ, lúc này con cháu cần phải chăm sóc cho họ thật tốt, không có họ thì làm sao có ta? Tại sao họ dọn cứt cho ba mẹ mình, rồi đến mình được... mà đến khi ông bà ta về già, nằm một chỗ ỉa đái như đứa trẻ ta không dọn dẹp được mà còn lấy tay bịt mũi và trong đầu thầm nguyền rủa: Hãy sớm chết đi cho rảnh nợ... Chắc chắn bất hiếu nó không di truyền qua gen, nhưng nó di truyền qua cuộc sống đó, ta đối xử với cha mẹ sao? Thì sau này con ta sẽ đối xử với ta vậy.
Hôm rồi tôi có ghé thăm nhà người chú, nói chuyện với chú thật hay và nhiều ý nghĩa... tôi nhẹ đi sau mỗi lần ghé nhà chú nói chuyện. Chú rất ghét những kẻ "xôi thịt" chỉ biết lo cái miệng của mình, chuyện làng nước mà muốn lấy lợi về cho mình, kiếm đôi ba đồng tiền rẻ mạt. Chuyên đi gây mâu thuẫn, nói xấu, chia cắt tình họ hàng. Những kẻ xôi thịt đó ta nên quên đi, không nên đề cập trong cuộc sống của mình.
Xôi thịt là một món ăn rất ngon, nhưng hãy sống làm sao cho mọi người đừng có chửi ta là kẻ "xôi thịt". Anh có là ai? Địa vị gì trong cuộc sống cũng phải biết mình biết ta? Biết sống thế nào cho phải đạo. Không nên thấy giàu sang thì tìm đến mà ai nghèo khó thì khinh ghét chê bai. Tiếng xấu để lại muôn đời sau khó mà rửa sạch. Cuộc đời này ngắn lắm, đôi ba năm là thác rồi.
Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau ta có cũng như không
Cuộc đời có có không không
Trăm năm còn lại tấm lòng mà thôi.
Trích: Đinh Thanh Hải

Không có nhận xét nào: