Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Các khái niệm về Quỹ Đầu tư chứng khoán

Các định nghĩa cơ bản:

Quỹ đầu tư chứng khoán:
Là một tổ chức đầu tư chuyên nghiệp huy động, tập họp vốn từ các nhà đầu tư pháp nhân/cá nhân trên thị trường thông qua việc phát hành lần đầu rộng rãi ra công chúng và sử dụng vốn vào mục đích đầu tư chứng khoán.

Tính chất quỹ đóng:
Là việc người đầu tư không được bán lại chứng chỉ quỹ đầu tư cho Quỹ đầu tư trước thời hạn kết thúc thời gian hoạt động hoặc giải thể.

Chứng chỉ quỹ đầu tư đóng được giao dịch chuyển nhượng tự do trên thị trường chứng khoán.

Giá trị tài sản ròng (Net Asset Value - NAV)
Giá trị tài sản ròng (Net Asset Value - NAV) là hiện giá tài sản của quỹ đầu tư.

NAV = (Tổng giá trị tài sản - Tổng nợ) / Số lượng chứng khoán phát hành

Trong đó: Tổng giá trị tài sản = Tổng giá trị chứng khoán của quỹ tính theo thị giá + tiền mặt

NAV của quỹ đầu tư sẽ liên tục biến động theo sự thay đổi giá các loại chứng khoán mà quỹ đầu tư trên thị trường.

Thị giá của chứng chỉ quỹ đầu tư (Market price)
Thị giá chứng chỉ quỹ đầu tư là giá thời điểm hiện tại của chứng chỉ quỹ đầu tư được giao dịch trên thị trường chứng khoán. Thị giá của chứng chỉ quỹ đầu tư biến động tùy thuộc chính vào yếu tố cung cầu trên thị trường.

Mức Discount/Premium

MứcPremium/Discount = (Thị giá - NAV) / NAV

Nếu tỷ lệ này dương thì gọi là Premium, ngược lại là Discount.

Thông thường tại thị trường chứng các nước phát triển rất ít quỹ đầu tư được giao dịch có mức Premium, mà phần lớn ở mức Discount khoảng từ 15% đến 20%. Chỉ số này không ổn định mà biến động theo các điều kiện của thị trường. Thường những quỹ đầu tư được giao dịch có chỉ số ở mức discount đều có thể đạt được mức premium cao trong tương lai và ngược lại.

Phương thức hoạt động của Quỹ đóng:
Đại hội cổ đông của quỹ bầu ra Ban đại diện quỹ (Ban quản trị). Ban này chỉ định một nhà tư vấn (công ty quản lý quỹ) trong việc nghiên cứu đầu tư và quản lý danh mục đầu tư của quỹ.
Công ty quản lý quỹ cử một người quản lý chuyên nghiệp trực tiếp điều hành hoạt động đầu tư của quỹ. Người này luôn được một đội ngũ những nhà phân tích chuyên nghiệp của công ty quản lý quỹ hỗ trợ trong mọi hoạt động của mình. Người quản lý này có hai nhiệm vụ chính sau:
Thực hiện tốt các quyết định đầu tư theo đúng chính sách, chiến lược mà bản cáo bạch/Điều lệ quỹ quy định nhằm đạt được mục tiêu lợi nhuận đặt ra.
Báo cáo đầy đủ, chính xác và kịp thời các bản báo cáo định kỳ (ngày, tháng, quý năm) và các vấn đề liên quan khác cho cổ đông của quỹ.

Do vậy, sự thành bại của Quỹ đầu tư lệ thuộc rất nhiều vào năng lực của cá nhân người quản lý trực tiếp quỹ đầu tư. Đôi khi nhà đầu tư quyết mua hoặc bán một loại chứng chỉ quỹ đầu tư nào đó chỉ vì nhà quản lý tài ba nào đó hiện đang quản lý hoặc không còn quản lý quỹ đầu tư này nữa.

Các loại quỹ đóng khác nhau:
Quỹ đầu tư nội địa đa dạng (Diversified Dosmetic Funds): đầu tư chứng khoán nhiều ngành nghề khác nhau trong nước mà quỹ hình thành.
Quỹ đầu tư quốc tế (International Funds): đầu tư chứng khoán ở thị trường nước ngoài, nhiều quốc gia khác nhau.
Quỹ đầu tư chuyên ngành (Sector Funds): đầu tư chứng khoán chuyên một ngành như bất động sản, tài chính ngân hàng, viễn thông, xây dựng, ...
Quỹ đầu tư trong một nước (Single Country Funds): chỉ đầu tư các loại chứng khoán tại một nước ngoài duy nhất nào đó trên thế giới.
Quỹ đầu tư trong một khu vực Regional Funds): đầu tư các loại chứng khoán tại một số nước trong khu vực như: Mỹ La tinh, Châu Âu, Chậu Á, Châu Phi,...
Quỹ đầu tư thị trường mới nổi (Emerging Markets): quỹ chỉ đầu tư chứng khoán tại các thị trường ở các quốc gia phát triển như: Brazile, ...
Quỹ đầu tư toàn cầu (Global Funds): quỹ chuyên đầu tư chứng khoán trên thị trường Mỹ và thị trường quốc tế với nhiều loại chứng khoán khác nhau của nhiều nước. Tùy theo chiến lược của quỹ, nhiều quỹ toàn cầu có những mục tiêu đầu tư cụ thể như: chỉ đầu tư những loại chứng khoán có giá vốn hoá thị trường thấp hoặc những công ty tư nhân hoá.

Nguồn: Quỹ Thành Việt

Không có nhận xét nào: