Không biết từ đâu ra, đã tồn tại một hiểu
nhầm dai dẳng về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rằng TPP
là món quà Mỹ và các nước phát triển trao cho Việt Nam và các nước đang
phát triển cho nên họ có quyền dùng nó để mặc cả một số đổi chác nào đó
(!).
Đúng là trong phân công lao động theo
kiểu toàn cầu hóa thì Việt Nam không có nhiều lợi thế bằng Mỹ khi so
sánh cơ hội và phải cạnh tranh với nhiều nước khác để có thể xuất khẩu
hàng hóa vào thị trường Mỹ. Cho nên nếu tham gia TPP (cũng như trước đó
ký BTA) thì đỡ phải cạnh tranh với các nước không tham gia như
Bangladesh trong lãnh vực may mặc.
Nhưng điều đó không làm giảm nguyên tắc
quan trọng đầu tiên của các hiệp định thương mại tự do: đàm phán trên tư
cách bình đẳng, hai bên cùng có lợi chứ không hề có chuyện bên nào “ban
ơn” cho bên nào. Vì thế trên bàn đàm phán, đưa vấn đề nào nào ra để
thương thảo, chọn vấn đề nào để nhượng bộ, vấn đề nào đẩy tới là một sự
cân nhắc toàn diện. Có thể ở phía Mỹ, sự cân nhắc đó chịu tác động từ
các hoạt động vận động hành lang của các tập đoàn, các hiệp hội doanh
nghiệp, từ Quốc hội Mỹ với những lợi ích khác nhau, từ những nhóm lợi
ích mà mỗi nơi có một “chương trình nghị sự” hoàn toàn riêng biệt. Chẳng
lạ gì khi đôi lúc chúng ta thấy một nghị sĩ đòi đưa chuyện này chuyện
kia vào nội dung đàm phán như một đòn bẩy, như một cân nhắc. Vấn đề là
không thể xem “chuyện này, chuyện kia” là “cây gậy” hay “củ cà rốt” vì
bản chất chúng không phải là sự trừng phạt hay ban ơn như đã nói ở trên.
Đừng xem chuyện họ đòi môi trường làm
việc tốt hơn cho công nhân Việt Nam như một cách mặc cả việc họ mở cửa
rộng hơn thị trường nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam. Không phải, hoàn
toàn không phải vì họ lo cho quyền lợi của công nhân Việt Nam! Đó chỉ vì
họ muốn đặt ra những điều kiện mang tính gây khó để công nhân Mỹ không
phải cạnh tranh mà không có lợi thế gì so với công nhân nước khác. Doanh
nghiệp Mỹ tốn tiền lo cho công nhân nước họ như thế nào (vì luật bắt
phải như thế) thì họ cũng đòi doanh nghiệp Việt Nam phải tốn kém tương
đương (phải đổi luật lệ để mới ép được).
Chỉ khi các đòi hỏi đó đến từ các tập
đoàn, chúng ta mới thấy vấn đề rõ hơn: ví dụ, các tập đoàn thuốc lá ráo
riết vận động để Mỹ đưa vào điều khoản cấm các nước đặt ra những rào cản
kiểm soát chặt chẽ các sản phẩm độc hại như thuốc lá nhưng dưới danh
nghĩa tự do kinh doanh. Tiếng nói của họ lại được sự tư vấn của đội ngũ
truyền thông lành nghề nên khi nào nghe cũng hay ho.
Về phía Việt Nam, bởi chúng ta có ít đòn
bẩy để mặc cả hơn nên càng rất cần cân nhắc cái quá trình “chọn vấn đề
nào để nhượng bộ, vấn đề nào đẩy tới “. Đừng để chúng ta phải ép chuyện
không đáng, chuyện mang tính hình thức rồi phải mặc cả chuyện liên quan
đến sinh kế của hàng triệu nông dân hay mức sống của hàng triệu công
nhân. Lấy ví dụ chuyện môi trường. Trong khi ai cũng thấy Mỹ không mặn
mà gì lắm với các hiệp ước bảo vệ môi trường như Hiệp ước Kyoto thế
nhưng các bên vận động hành lang từ phía Mỹ đều muốn đưa những điều
khoản ràng buộc về môi trường vào TPP, không phải vì họ muốn bảo vệ môi
trường của nước sở tại mà chỉ vì muốn nước sở tại cũng tốn kém cho môi
trường như họ vậy.
Cho nên quá trình mặc cả có thể dẫn đến
kết quả cả hai bên bỏ quên chuyện môi trường vì lợi ích của giới doanh
nghiệp mà có hại đến môi trường sinh sống của cư dân nói chung. Đó mới
chính là những điểm nhạy cảm cần lên tiếng.
(Trích Nguyễn Vạn Phú )
http://blogs.thesaigontimes.vn/vanphu/archive/2014/01/22/hieu-nham-tpp.aspx
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét