Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

Kiếm 1,2 tỷ USD khi đồng Yên tụt dốc: George Soros đã làm như thế nào?

Danh mục ở các quỹ đầu tư của George Soros, được quản lý bởi Soros Fund Management, đã kiếm được số tiền “khủng” 1,2 tỷ USD trong 3 tháng vừa qua.
Bối cảnh kinh tế - chính trị Nhật Bản
Cho đến năm 2012, kinh tế Nhật Bản vẫn bị mắc kẹt trong “những thập kỷ mất mát”, kéo dài từ đầu thập niên 1990 với sự sụp đổ của thị trường chứng khoán và bất động sản. Tình trạng giảm phát trầm trọng trong 2 thập kỷ qua làm suy giảm niềm tin và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế. Kỷ nguyên tăng trưởng cao của thập niên 60, 70 và 80 đang dần trở thành quá khứ.
(Tuy nhiên, cần lưu ý là ngay cả khi kinh tế không tăng trưởng, phần lớn người dân Nhật Bản vẫn hưởng hệ thống phúc lợi tốt và tỷ lệ tội phạm ở nước này vẫn thấp so với Mỹ và châu Âu.)
Khả năng cạnh tranh của khối doanh nghiệp Nhật Bản (đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế) suy giảm nghiêm trọng, khi hàng loạt công ty điện tử danh tiếng một thời như Sony, Panasonic hay sản xuất ô tô như Toyota báo cáo lợi nhuận tụt dốc, và thậm chí thua lỗ.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc và các hệ lụy chính trị nảy sinh từ việc tranh chấp dai dẳng đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkakus ở biển Hoa Đông.
Thảm họa động đất, sóng thần vào tháng 3/2011 và sau đó là sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima khiến nền kinh tế Nhật Bản càng thêm “sóng gió”.
Nền chính trị Nhật Bản biến động sâu sắc với việc bổ nhiệm thủ tướng thứ 7 trong vòng chưa đầy 7 năm. Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shinzo Abe làm thủ tướng thứ 96 của Nhật Bản vào ngày 26/12/2012; và là người thứ hai với hai lần làm thủ tướng kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (sau cố Thủ tướng Shigeru Yoshida hồi thập niên 1940 và 1950).
Các đời thủ tướng Nhật Bản trong 7 năm vừa qua. Nguồn: AFP/TTXVN 
Gói kích thích kinh tế 20.200 tỷ Yên (226,5 tỷ USD)
Thủ tướng Shinzo Abe ngay lập tức đã thực hiện chính sách kinh tế Abenomics, với trọng tâm là tăng cường chi tiêu công và nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đạt tỷ lệ lạm phát 2%/năm.
Trong đó, đáng chú ý là gói kích thích kinh tế trị giá 20.200 tỷ Yên (226,5 tỷ USD) nhằm đưa GDP tăng thêm 2% và tạo ra ít nhất 600.000 việc làm.
Ông Abe cũng gia tăng áp lực đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), buộc ngân hàng này nới lỏng tiền tệ nhiều hơn nữa.
George Soros kiếm được 1,2 tỷ USD khi “đánh xuống” đồng Yên
Hệ quả của các kỳ vọng đối với chính sách này là đồng Yen đã liên tục giảm giá so với các ngoại tệ chủ chốt khác và mất đến 17% trong 3 tháng 11, 12/2012 và tháng 1/2013; trong khi thị trường chứng khoán hồi phục mạnh mẽ 28% trong giai đoạn từ tháng 10/2012 – 1/2013.
Theo Wall Street Journal, danh mục ở các quỹ đầu tư trị giá 24 tỷ USD của George Soros, được quản lý bởi Soros Fund Management, đã có mức sinh lời “khủng” 1,2 tỷ USD trong 3 tháng vừa qua.
Đáng lưu ý là các quỹ đầu cơ của George Soros đã “đánh cược” vào nền kinh tế Nhật Bản (đồng Yên giảm, cổ phiếu tăng) cách đây hơn 3 năm, đến lúc này mới gặt hái thành quả.
Người thực hiện chiến lược đầu tư này là Scott Bessent, 50 tuổi, Giám đốc Đầu tư tại Soros Fund Management. 
Scott Bessent gia nhập Soros Fund Management vào năm 1991 và trở thành Giám đốc Đầu tư từ tháng 10/2011.
Scott Bessent điều hành văn phòng Luân Đôn của Soros Fund Management trong 8 năm và đóng vai trò quan trọng trong thương vụ đầu tư tiền tệ (Bảng Anh) nổi tiếng vào năm 1992.
Khi đó, George Soros đánh cược rằng Ngân hàng Trung ương Anh (Bank of England) sẽ buộc phải phá giá mạnh đồng Bảng. Thực tế đúng như dự đoán của George Soros và thương vụ đầu tư 10 tỷ USD đã đem lại cho ông 1 tỷ USD chỉ trong vòng 1 tuần. George Soros được mệnh danh là “Người hủy diệt Ngân hàng Trung ương Anh” kể từ đó.
- See more at: http://www.bfinance.vn/chung-khoan/kiem-12-ty-usd-khi-dong-yen-tut-doc-george-soros-da-lam-nhu-the-nao.aspx#sthash.yiXZtMe9.dpuf

Không có nhận xét nào: