Buổi giao thời giữa hai thế kỷ 18 và 19, ông nổi tiếng trong kinh doanh cũng như đầu cơ, làm chính trị và lợi dụng chính trị; trong thành công và thất bại, ý chí làm giàu và khôi phục sự giàu sang, thắng không tự mãn và thua không nản lòng. Không phải chỉ ở thời đó mà ngay cả đến tận bây giờ, Nathan Rothschild vẫn được coi là một trong những nhà đầu cơ tài chính lớn nhất, bạo gan nhất và cũng thành công nhất.
Dòng họ Rothschild ở Đức nỗ lực làm giàu còn nhằm mục tiêu dùng sự giàu có ấy để cải thiện vị thế của người Do Thái ở châu Âu, bởi thời đó người Do Thái ở đây thường bị miệt thị và phân biệt đối xử. Người cha của Nathan Rothschild, ông Mayer Armschel Rothschild - giống như các thương nhân người Do Thái khi ấy - đã nhận ra từ rất sớm rằng, phải giàu có thì mới có thể tồn tại được ở châu Âu, phải có tiền thì mới có thể thoát khỏi cảnh bị nhục mạ, coi thường và sợ hãi, mới được công nhận và vị nể. Ông trụ lại ở Frankfurt bên dòng sông Main, nhưng lại cử cả bốn đứa con trai đi lập nghiệp và làm “chân rết” ở bốn phương trời khác nhau: James sang Pháp, Carl sang Italia, Solomon sang Áo, còn Nathan sang Anh. Lúc ấy, Nathan mới 23 tuổi và cũng là thời điểm chuyển giao thế kỷ 18 sang thế kỷ 19.
Cả bốn anh em nhà Rothschild thực ra chỉ là thương nhân, chuyên mua chỗ rẻ bán chỗ đắt, mua của kẻ có đến bán cho người cần. Nathan Rothschild chịu trách nhiệm về kênh buôn bán giữa nước Anh và châu Âu lục địa. Bước sang thế kỷ 19, Pháp và Anh xung chiến. Năm 1806, Pháp phong tỏa mọi tuyến đường biển giữa Pháp và Anh, cấm vận hoàn toàn hàng hóa của Anh, dù vậy cũng không phong tỏa được khả năng kinh doanh của Nathan. Nathan làm giả giấy tờ vận chuyển hàng hóa và tàu thuyền vận tải, chuyển hàng từ Anh đi vòng qua Thụy Điển sang Đức. Tất nhiên người Pháp cũng không đến nỗi quá ngờ nghệch. Năm 1810, quân đội Pháp bắt quả tang Nathan vận chuyển hàng lậu qua Frankfurt và từ đó luôn đặt thương gia này vào “tầm ngắm”.
Đó cũng chính là lý do khiến Nathan buộc phải chuyển nghề từ lái thương sang nhà băng, song đó cũng chính là lãnh địa để Nathan phát huy tối đa năng khiếu đầu cơ bẩm sinh của mình. Nathan chọn London làm nơi dụng võ vì khi đó London đang trên đà trở thành trung tâm tài chính lớn nhất và quan trọng nhất của cả châu lục. Năm 1811, Nathan thành lập công ty kinh doanh tài chính riêng và mở rộng cánh cửa bước vào thế giới đầu cơ tài chính.
Trước tiên là vấn đề vốn kinh doanh. Nathan không xin bố mẹ, cũng không nhờ cậy vào gia đình vợ (cưới năm 1806) vốn cũng kinh doanh rất thành đạt mà sử dụng vốn của Công tước Wilhelm von Hessen (thuộc Tây Nam nước Đức ngày nay). Câu chuyện này có những tình cờ mà tưởng như là sự sắp đặt của số phận. Cha của Nathan đã từng là cố vấn tài chính cho cha của Wilhelm von Hessen. Năm 1806, Napoleon xua quân Pháp đánh chiếm Hessen, đuổi dòng họ quý tộc phong kiến đứng đầu lãnh địa này ra khỏi Hessen. Wilhelm von Hessen buộc phải lưu vong ở Đan Mạch và vì thế phải dùng Nathan Rothschild làm người đứng ra chính thức quản lý và kinh doanh số tiền của mình. Cũng có thể nói Nathan đã khởi nghiệp với số tiền 300.000 Bảng Anh của Wilhelm von Hessen. Nathan dùng số tiền này đầu cơ vào trái phiếu của chính phủ Anh và vàng. Kinh nghiệm buôn lậu và mạng lưới thông tin được thiết lập từ trước cùng với sự mẫn cảm của một nhà đầu cơ bẩm sinh đã giúp cho Nathan trong vòng 5 năm không chỉ sinh lời cho Công tước Wilhelm von Hessen, mà còn “gột nên hồ” cho chính mình. Mạo hiểm là nhân tố không thể thiếu trong cách đầu cơ của Nathan. Những trái phiếu chính phủ được mua ghi tên của Nathan và chuyển tên cho Công tước Wilhelm khi công tước trả tiền, nếu bán có lãi thì Nathan được hoa hồng, nếu lỗ thì Nathan phải gánh chịu tất cả. Rất mạo hiểm, nhưng... rất có lời!
Vấn đề tiếp theo là thông tin. Có thông tin trước thì mới có thể lập thế trận đầu cơ để bẫy cả các nhà đầu cơ khác. Gia đình Rothschild thiết lập mạng lưới thông tin riêng, nhân viên đưa tin có trang phục màu xanh vàng riêng, chân rết được cài cắm và gây dựng ở khắp mọi nơi, tàu thuyền và xe ngựa luôn hối hả trên đường và sẵn sàng lên đường, những con chim đưa thư cũng được huấn luyện đặc biệt để tránh lưới bẫy và chim săn mồi mà đối thủ của Nathan cài dăng, thả đón dọc bờ biển phía Nam nước Anh.
Nhưng đầu cơ vào chiến tranh mới là định hướng chiến lược của Nathan. Ông công khai tuyên bố là thời buổi chiến tranh dễ làm ăn hơn hòa bình. Và cuộc chiến tranh giữa Pháp và Anh như thể được tiến hành để cho riêng Nathan kiếm lời! Tháng Giêng năm 1814, chính phủ Anh ủy quyền cho Nathan lo chuyện tiền nong cho đội quân của Đô đốc Wellington chiến đấu với quân Pháp để vị tướng này trả lương cho binh lính, mua lương thực và quân trang. Nathan không chỉ kiếm thêm tiền cho Wellington, mà còn cho chính phủ Anh vay tiền. Tháng 5/1814, chính phủ Anh đã nợ Nathan tới 1.167.000 Bảng Anh - số tiền khổng lồ thời đó. Con tính của Nathan là, quân đội Anh thắng thì giá trị trái phiếu của chính phủ Anh sẽ tăng và càng tăng thì Nathan càng có lợi. Hơn nữa, chiến tranh càng kéo dài thì Nathan càng có cơ hội đầu cơ. Quả thực Nathan thắng lớn khi Hoàng đế Pháp Napoleon thua trận đầu tiên năm 1814.
Tuy thế, không phải ông không từng nếm những thất bại cay đắng. Khi biết tin Napoleon từ đảo Elba trở về Paris, Nathan đoán chiến tranh sẽ lại xảy ra và đổ hết của cải vào việc mua vàng và trái phiếu chính phủ, trù tính cho một cuộc chiến lâu dài. Nhưng khi Napoleon thua ở Waterloo ngày 18/6/1815 thì nhà đầu cơ trứ danh này gần như bị phá sản hoàn toàn vì chiến tranh chấm dứt, chính phủ Anh không còn cần đến vàng nữa và trái phiếu chính phủ giảm giá.
Tay trắng, Nathan quyết chí phục thù và biết rằng con đường phục thù nhanh nhất vẫn là đầu cơ. Bất chấp sự phản đối của cả gia đình, ông bỏ hết tiền có được và đi vay được để mua trái phiếu chính phủ với lãi suất 3%, với niềm tin chắc chắn rằng giá trị loại trái phiếu này sẽ tăng. Ông đã kiên định giữ số trái phiếu đó trong 2 năm cho dù cả gia đình không biết bao nhiêu lần khẩn khoản yêu cầu Nathan bán đi để được đồng nào hay đồng ấy. Và cuối cùng, sự mẫn cảm của nhà đầu cơ đã thắng. Nathan cứ tiếp tục cách làm như vậy và chẳng bao lâu sau gỡ gạc lại được những gì đã bị mất.
Nathan Rothschild sinh năm 1777 và mất năm 1836. Khi mất, ông để lại sự giàu sang cho cả gia đình với tài sản giá trị bằng 0,62% GDP của nước Anh thời đó. Ngày nay, người được coi là giàu nhất thế giới Bill Gates có số tài sản bằng 0,52% GDP của nước Mỹ. Nhưng ở vào thời của Nathan Rothschild, nước Mỹ của Bill Gates còn chẳng khác gì vừa mới… thôi nôi.
Bắc Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét