Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

Về việc dùng “dự trữ ngoại tệ” của NHNN

Đọc tin chính phủ đề xuất Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho vay dự trữ ngoại tệ làm ngân sách mà giật mình, dù chỉ là đề xuất nghiên cứu. 
Việc chính phủ yêu cầu ngân hàng nhà nước lấy dự trữ ngoại tệ cho chính phủ vay không khác gì chính phủ bảo NHNN in tiền mua ngoại tệ vào, rồi đưa ngoại tệ đó cho chính phủ sử dụng và qua đó nhận được một đống giấy nợ của chính phủ (dưới hình thức trái phiếu). 
Khi đã đưa dự trữ ngoại tệ cho chính phủ thì chúng không còn là dự trữ ngoại tệ nữa vì dự trữ ngoại tệ được định nghĩa là tài sản ngoại tệ nằm trong tay NHNN mà NHNN, vào bất cứ lúc nào, cũng có thể biến thành tiền mặt và sử dụng để điều phối cung cầu ngoại hối và giá ngoại hối trên thị trường nhằm phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu và trả nợ.
Yêu cầu trên của chính quyền có thể vừa làm mất quyền quyết định về chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước, vừa có nguy cơ làm nền kinh tế mất ổn định .

Tại sao?

1. In tiền để mua ngoại tệ trên thị trường: ảnh hưởng đến lạm phát tùy mức độ phát hành tiền. Tổng cung tiền (M2) cuối năm 2013 là 209 tỷ US (tương đương). Nếu mượn khoảng 20 tỷ có nguy cơ làm tăng giá thêm 5% nếu kinh tế chỉ tăng được 5%.  NHNN để trung lập hóa hành động in nêu trên thì phải phát hành trái phiếu để thu hồi tiền về. Liệu NHNN có khách hàng sẵn sàng mua trái phiếu NHNN không?  Từ năm 2006 đến nay kinh tế Việt Nam trở nên bất ổn với lạm phát cao cũng vì chínhh sách in tiền cung cấp tín dụng nhằm đạt tốc độ GDP cao của chính quyền.
2. Vơ vét ngoại tệ trên thị trường sẽ gây áp lực làm tăng hối suất; việc này sẽ làm hàng Việt Nam càng thêm mất tính cạnh tranh.
3. Ảnh hưởng cộng hưởng của hai hành động in tiền và vơ vét ngoại tệ sẽ làm hối suất mất giá ở mức lớn hơn, bởi vì ngân hàng nhà nước chỉ có thể mua ngoại tệ bằng cách in tiền đồng.  
Tất nhiên có một cách khác là NHNN có thể phát hành trái phiếu ngoại tệ nhưng điều này đâu có khác gì việc chính Bộ Tài chính phát hành trái phiếu ngoại tệ, tức là mượn tiền ngọai. Tôi chắc là để có người mua, lãi suất trái phiếu ngoại tệ phải cao và cần có bảo đảm của nhà nước.  Và như thế chẳng khác gì việc nhà nước đi vay thẳng nước ngoài như đã từng làm.
Tuy nhiên tại sao lại có hiện tượng kỳ quái là chính quyền yêu cầu NHNN làm điều trên?  Có lẽ họ đơn giản nghĩ rằng ra lệnh cho NHNN in tiền mua ngoại tệ rồi đưa cho mình tiêu thì là tiền chùa, khỏi trả lãi, mà cũng chẳng phải trả vốn.

Vũ Quang Việt

Không có nhận xét nào: