Sở dĩ nước ta chậm tiến như thế thì phải xét đến nhiều nguyên nhân khác nhau, mà từ trước đến nay nghe nhiều người bàn luận mà thấy họ chỉ xét đến nguyên nhân là do cơ chế quản lý yếu kém của chính quyền nặng tính xin – cho chứ không cho chủ động làm một việc gì, rồi xét đến cả việc hệ thống công quyền tham ô, biển thủ thế này thế kia mà dẫn đến nước nhà nhận biết bao nhiêu hỗ trợ kinh tế để phát triển từ quốc tế mà vẫn chỉ đạt con số tăng trưởng chậm chạp... Tóm lại, người ta chỉ nhằm vào việc phê phán nhà nước, nhưng thực ra nếu nhìn sâu hơn thì vẫn còn vấn đề còn lớn hơn cả mà dẫn đến sự chậm tiến của đất nước chính là do những khiếm khuyết từ nhiều mặt của người Việt chúng ta trong xã hội Việt Nam.
Trước tiên là phải xét đến xã hội Việt Nam từ thời xa xưa ngàn năm trước là theo lối tiểu nông, quần cư thành làng mạc mà giúp nhau trị thủy, đắp đê và cày cấy, điều này tạo ra một sức mạnh vững chãi to lớn cho cái việc bảo vệ cái văn hóa tư duy gói gọn trong mô hình làng xóm, vậy nên người sống trong tập thể làng mạc ấy đi đến đâu cũng thấy người quen của họ cả, mà nói “đi đến đâu” cứ tưởng là xa nhưng thực chất cũng chỉ trong xóm trong làng mà thôi chứ không dám đi ra khỏi cái lũy tre làng. Vì vậy hình thành nên tư tưởng hướng nội rất lớn, chỉ cần biết ta chứ không màng đến người, dẫn đến lối suy nghĩ của người Việt từ xưa là chỉ quanh quẩn, bao quanh cái cố hữu gắn bó quen thuộc với họ mà hiếm khi tiếp thu lấy những yếu tố bên ngoài, nếu có người dám làm thì cũng bị sờ gáy mà quy kết là ngoại lai mà thôi, vậy nên cái mới và cái hay từ bên ngoài rất khó được chấp nhận, vì thế tư duy người Việt chúng ta rất ngắn hạn và tầm nhìn không xa.
Do đó, khi chúng ta tiếp nhận nhiều nguồn viện trợ để phát triển kinh tế mà để xảy ra những vụ việc tham ô những nguồn viện trợ đó, đấy cũng là phần nhiều bị ảnh hưởng bởi cái ngắn hạn trong suy nghĩ của người Việt, chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, dẫu biết là sai mà cứ thấy béo bở là trục lợi cho thỏa cái cá nhân.
Cần là thay đổi tư duy. Ảnh: Internet
Trong lịch sử của chúng ta cũng có bao nhiêu người tài hiến kế hay để thay đổi dân trí nhằm thay đổi hiện trạng con người trong xã hội lúc bấy giờ nhưng đã thất bại, dẫn chứng như trường hợp Nguyễn Trường Tộ dâng lên các bản điều trần canh tân đổi mới mà vẫn bị triều đình nhà Nguyễn bác bỏ, thế nên cái lối Hán học Khổng Nho đã suy tàn mà vẫn phải để cho làm rường cột tư tưởng của nước nhà thế thì hỏi làm sao mà không bị đánh bại.
Vậy cái khó nhất của người Việt chúng ta bây giờ là thay đổi nếp suy nghĩ tầm nhìn bị phủ một lớp màng hướng nội quá mạnh. Lại nữa là chính vì sống trong một tập thể vững chắc khép kín của xã hội làng mạc từ xưa, cá nhân bị tập thể giám sát và bảo vệ nên người ta làm gì cũng chỉ nhìn tập thể mà làm, căn cớ theo số đông mà thực hiện nên thành ra không có chỗ cho ý kiến riêng tư hay trách nhiệm cá nhân,quyền tự do cá nhân bị bóp chặt và hòa tan vào tập thể, nên dần dần đi mãi vào lối mòn cũ kỹ, ít có những sáng kiến bạo dạn đổi mới,rồi quyết định việc lớn là tập thể quyết định nên thành ra cá nhân cứ vô tư lơ là, có truy xét thì cũng lôi tập thể ra mà xét chứ họ cũng chẳng sợ gì,nên ở Việt Nam mới xảy ra cái nạn cha chung không ai khóc. Hình tượng tập thể này cũng là cái gốc sâu xa của cơ chế xin – cho ngày nay vì cá nhân muốn làm việc thì chỉ có thể xin ngân sách và điều lệnh văn bản từ tập thể thì mới dám làm,vậy mới nảy sinh ra sự quan liêu quyền thế, chậm chạp của bộ máy công quyền.
Phân tích một vài chỗ nữa thì thấy thêm rằng tư duy người Việt chúng ta vốn bị lạc hậu từ thuở nào, so với các nước có trình độ văn minh tiên tiến như Tây phương thì họ có tầm nhìn rất khác chúng ta do họ có một nền tảng học vấn rất đồ sộ, là kết quả của quá trình nghiên cứu ngay từ thời cổ đại của các học giả, triết gia thông thái.
Những khái niệm về thế giới và con người đã được suy ngẫm tìm tòi liên tục và có sự nghiên cứu một cách khoa học và có tính logic cao, có thể thấy các nhà kinh điển toàn là xuất thân từ những nước như là Anh, Pháp, Đức,Hy Lạp… là những nước phương Tây có nhiều thành tựu về các lĩnh vực khác nhau trong tự nhiên và xã hội. Tư duy của phương Tây có đặc điểm là họ tư duy từ thế giới quan đến nhân sinh quan, còn chúng ta thì ngược lại là từ nhân sinh quan sang thế giới quan, nếu xét về mặt rộng hẹp của tư duy thì rõ ràng chúng ta lép vế hơn rất nhiều, nếu chúng ta đi từ những lối suy nghĩ hẹp hòi bị ảnh hưởng bởi cơ chế xã hội khép kín từ xưa mà làm những việc có tính vĩ mô thì thể nào cũng bị những cơ chế cũ kỹ cản đường, thế nên đọc báo mà thấy có những cán bộ Đảng viên tâm huyết muốn làm việc lớn nhưng cứ than thở là bị vướng cơ chế này nọ là vì thế.
Trái với Tây phương thì họ suy nghĩ nhận thức rất đầy đủ, rõ ràng những quy luật, phạm trù về các hiện tượng tự nhiên và xã hội trên thế giới để đi vào hành động cho thực tiễn nên họ có thể tạo nên những hệ thống lý luận tư tưởng có tính khái quát rất lớn mà chúng có ảnh hưởng xuyên biên giới, cả những quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng bởi họ, dẫn chứng như chủ nghĩa Marx cùng với lý luận về giai cấp và xây dựng hình thái kinh tế xã hội cộng sản trở thành một trào lưu hấp dẫn nhiều quốc gia trong một thời kỳ lịch sử, kể cả Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng. Những vấn đề về tự do, dân chủ, nhân quyền cũng được tư duy thế giới quan của Tây phương nghiền ngẫm rất kỹ nên họ sớm có thành tựu về những vấn đề này, có thể thấy ngay Thụy Điển là nước thông qua luật về Tự do báo chí sớm nhất thế giới ngay từ năm 1766, vậy nên những thành tựu của Tây phương đã sớm thành chuẩn mực, khi đấu tranh cho tự do dân chủ thì người ta cũng lấy luôn những chuẩn mực đó làm thước đo.
Những người đối lập với chính quyền Việt Nam hiện nay đại đa số là từ các quốc gia phương Tây là vì thế.
Một phần nữa là xã hội Đông Á chúng ta bị quy định bởi tư tưởng Khổng Nho quá lâu dài mà trong đó chủ yếu nhắm đến sự tuân phục đối với các vai trò trong xã hội nên không có cơ hội để đi tìm chân lý về thế giới quan như phương Tây khi mà bị vướng phải tính trật tự nghiêm ngặt của giáo lý Khổng Nho, mà điều này còn làm chúng ta mạnh về mặt tư duy nhân sinh quan nhiều hơn khi chỉ cần suy nghĩ làm cách nào để thực hiện tròn bổn phận của người vợ, người con hoặc phận bề tôi với vua là đủ, vì thế vai trò lãnh đạo chỉ thuộc về những tầng lớp đặc quyền chứ không thuộc về những tầng lớp khác trong xã hội.
Vậy việc thay đổi sao cho trình độ văn hóa, tư duy, dân trí… của người Việt được sáng suốt hơn là việc làm khó gấp trăm lần so với việc thay đổi một thể chế chính trị. Một xã hội mà trong đó có sự khiếm khuyết về văn hóa tư duy nhận thức hoặc tầm nhìn chiến lược của con người thì có áp dụng mô hình chế độ chính trị nào thì cũng khó phù hợp, vì hệ thống chính trị cũng lấy những con người từ xã hội ấy để làm việc.
Thay đổi về con người trong xã hội nước ta chính là để xóa đi những yếu tố lỗi trong tâm thức người Việt chúng ta để cho ra đời một hình thái mới về người Việt với tầm vóc tư tưởng lớn hơn và cấp tiến hơn mà gạn bỏ hết những cái xấu và không còn phù hợp. Như vậy, thì chỉ có thể thông qua sự giáo dục và nâng cao sự hiểu biết một cách khoa học đối với các tầng lớp trí thức trong nhân dân, để tạo nên nhiều tầng lớp hiểu biết và phản biện về những vấn đề vĩ mô với cách tiếp cận thế giới quan rộng lớn, từ đó dần dần khơi dậy sự thay đổi tiềm tàng ở trong lòng xã hội và từ từ nhân rộng ra, góp phần tạo nên những tầng lớp tinh hoa trong xã hội và sau này họ sẽ đóng góp rất lớn cho sự chuyển biến mau lẹ của đất nước về mọi mặt, nếu làm được điều này thì sự tham gia vào chính trị sẽ chuyển dịch không còn nằm trong tay những tầng lớp đặc quyền mà nó sẽ nằm trong toàn dân vì lúc này trên mặt bằng xã hội thì nhận thức của các tầng lớp nhân dân đã thay đổi nhiều về trình độ.
Khi con người trong xã hội đã tiên tiến thì mới là tiền đề sẵn sàng cho bất kỳ sự chuyển biến nào trong tương lai của đối với mọi lĩnh vực của đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét