Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Tài phiệt lên kế hoạch Trung Quốc khủng hoảng kinh tế vào năm 2017-2018. Năm 2019 tất cả truyền thồng đưa tin

Các giáo sư kinh tế - làm việc cho tập đoàn tài phiệt liên tục viết sách, viết báo nói về kế hoạch khủng hoảng kinh tế của china.

Sai lầm chết người của Tập Cận Bình
Nguyễn Quang Dy
(Bình luận nhanh nhân đọc và dịch bài điểm sách mới “The Great Fall of China”, Jeffrey Wasserstrom, Wall Street Journal, March 28, 2016)
1. Cuốn sách mới của David Shambaugh (China’s Future, Polity, March 2016) tiếp theo bài phân tích của tác giả cách đây một năm (“The Coming Chinese Crackup”, Wall Street Journal, March 6, 2015) là một bước mới khẳng định sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Trung Cộng. Tuy nhiên, chính xác là bao giờ và sụp đổ thế nào thì chưa ai khẳng định cụ thể (kể cả Minxin Pei và Paul Krugman hay Gordon Chang). Trong số này thì David Shambaugh là người thay đổi lập trường rõ rệt nhất, từ chỗ đánh giá cao đến chỗ chỉ trích gay gắt lãnh đạo TQ. Có lẽ không phải tác giả thay đổi lập trường, mà lãnh đạo TQ thay đổi đường lối (cụ thể là Tập Cận Bình khác với Hồ Cầm Đào và Ôn Gia Bảo) nên tác giả thất vọng. Không nên xếp tác giả vào “trường phái sụp đổ” (collapsist) như Gordon Chang. 
2. Trong 3 năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực gần như tuyệt đối (không kém gì Mao). Từ mô hình lãnh đạo tập thể dựa trên nhất trí (consensus) nay đã biến thành mô hình quyền lực cá nhân dựa trên độc tài. Từ luật chơi không được đụng đến các ủy viên thường vụ BCT (cả mới lẫn cũ), nay ông Tập đã xử lý hầu hết các đối thủ chính trị (siêu hổ) như Bạc Hy Lai, Chu Vính Khang, Lệnh Kế hoạch, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, thậm chí cả Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Ngọn cờ chống tham nhũng để mị dân và có chính danh (legitimacy) là một vũ khí lợi hại để ông Tập thâu tóm quyền lực. Phải công nhận Tập Cận Bình (và Vương Kỳ Sơn) rất kiên định, mặc dù có tin bị ám sát hụt mấy lần. Hay nói cách khác, “đâm lao phải theo lao”, đã leo lên lưng hổ thì không thể dừng lại.
3. Không phải chỉ “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập còn xiết chặt quyền tự do dân chủ, tăng cường kiểm soát giới trí thức, các tổ chức dân sự và tôn giáo (kể cả người nước ngoài), tạo không khí lo sợ (terror) như thời cách mạng văn hóa (“rule of fear”, Minxin Pei). Ông Tập chủ trương siết chặt bên trong (để giữ nguyên trạng chế độ chính trị) và bành trướng ra bên ngoài (để thay đổi nguyên trạng) cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, để giảm sức ép bên trong. Bài toán cổ điển này có thể hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng (trong thời đại internet), vì nó chỉ dựa trên quyền lực cứng để trấn áp và mua chuộc (cái gậy và củ cà rốt). Gần đây, có nhiều dấu hiệu bất ổn trong nội bộ, như thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, và bài chỉ trích chính sách của ông Tập đăng trên website của Ủy Ban Kiểm tra TƯ (CCDI). 
4. Các chính sách cực đoan nói trên: đả hổ diệt ruồi, xiết chặt kiểm soát bên trong, bành trướng ra bên ngoài (Biển Đông), chạy đua vũ trang, thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ, để thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” (China Dream)… là con dao hai lưỡi. Nếu kinh tế TQ ổn định, tiếp tục phát triển mạnh như trước, thì ông Tập vẫn còn thế thượng phong. Nhưng đáng tiếc, các chỉ số kinh tế cơ bản đang ngày càng xấu đi đến mức báo động (như nợ xấu quá lớn, dự trữ ngoại tệ giảm sút nhanh, phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán lao dốc, ô nhiễm môi trường quá nặng, người lao động di cư ngược về quê, dòng người và dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài…). Những chính sách cực đoan của ông Tập có thể phản tác dụng (backleash), trở thành sai lầm chết người. Đây là giới hạn của quyền lực cứng (cái gậy và củ cà rốt) và phát triển không theo quy luật (cải cách kinh tế không đi đôi với cải cách chính trị).  
5. Vậy lối thoát là gì? Theo David Shambaugh, Trung Quốc đã phát triển hết đà, đang sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, muốn thoát ra phải dựa vào tri thức (quyền lực mềm) chứ không phải cơ bắp (quyền lực cứng), phải cải tổ cả thể chế chính trị lẫn kinh tế. Nhưng đây là điều bất khả thi và một nghịch lý đối với quan điểm cực đoan của ông Tập, vì chính ông Tập đã nhìn ra tử huyệt của chế độ nên mới ra tay một cách cực đoan để hy vọng giữ được chế độ “ổn định”.  Nhưng David Shambaugh lập luận rằng ông Tập càng hành động cực đoan, thì càng đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ (như hệ quả không định trước). Vì vậy, không có lối thoát. Theo tác giả, ông Tập chỉ có 4 sự lựa chọn: “Chuyên chế Cứng” (như hiện nay) hay “Chuyên chế Mềm” (như trước đây)? “Độc tài Kiểu mới” (như thời Mao) hay “Dân chủ Nửa vời” (như kiểu Singapore)? Phương án “Chuyên chế Cứng” hiện nay đang có dấu hiệu “Độc tài Kiểu mới”. Sai lầm chết người của ông Tập là quay “trở lại tương lai” (back to the future).
Tóm lại, trong cuốn sách mới của mình, David shambaugh vẫn khẳng định những gì đang diễn ra là màn chót (end game) của chế độ Trung Cộng. Nhưng bao giờ thì nó sụp đổ? Theo tác giả, có thể là trong thập kỷ tới (the next decade or so). 
NQD. 30/3/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-3-16

Nguyễn Quang Dy dịch bài The Great Fall of China (WSJ, March 28, 2016)

Trung Quốc đại suy sụp
Jeffrey Wasserstrom 
 
Điểm sách: “Tương lai Trung Quốc” (China’s Future, Polity Press, March 2016) của giáo sư David Shambaugh (George Washington University).


Trung Quốc đã bước vào “cái bẫy thu nhập trung bình”. Nó chỉ có thể thoát ra bằng cách dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp. 
 

Đúng là David Shambaugh viết rất khỏe. Cuốn sách mới nhiều thông tin về “Tương lai Trung Quốc” tiếp theo cuốn “Đảng Cộng sản Trung Quốc” (China’s Communist Party, 2008) và cuốn “Trung Quốc Toàn cầu Hóa” (China Goes Global, 2013). Cuốn sách này đề cập đến các lập luận đã được đưa ra lần đầu trong bài phân tích “Sự Đổ vỡ Sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Chinese Crackup) cũng đăng trên tờ báo này cách đây một năm, gây nhiều tranh cãi. Lập luận chính của vị giáo sư ĐH George Washington rất dễ tóm tắt: Trừ phi Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình tiến hành cải cách chính trị lớn, nền kinh tế sẽ thất bại và đảng sẽ sụp đổ. Vì các học giả thường thận trọng khi xác quyết về thời điểm các sự kiện sẽ xảy ra, nên Shambaugh chỉ viết rằng nó có thể xảy ra trong thập kỷ tới.
Tác giả không phải là người đầu tiên dự đoán sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước đó đã có một số bình luận theo “trường phái sụp đổ” (collapsist), nếu mượn thuật ngữ này của nhà sử học Geremie Barmé. Ngay sau vụ thảm sát tại Bắc Kinh năm 1989, đại sứ Mỹ Winston Lord đã khẳng định rằng đảng sẽ mất quyền lực trong vài tuần lễ nếu không phải là vài ngày. Mười hai năm sau, Gordon Chang xuất bản cuốn “Sự Sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” (The Coming Collapse of China) và tự tin tuyên bố quyền lực của đảng sẽ chấm dứt năm 2011. Tuy nhiên, lập luận của Shambaugh khác biệt, vì vị trí nổi bật của tác giả và quan điểm trước đó của ông nhấn mạnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đã khôn ngoan học được bài học về “sự tuyệt chủng của tư tưởng Leninist” vào năm 1989-1991.
Cuốn sách mới nhất của Shambaugh đưa ra những nhận định xúc tích và rõ ràng về những xu hướng chủ chốt - từ sự tăng trưởng của sức mua đến đô thị hóa nhanh – đã làm thay đổi một đất nước chỉ có các làng xã thành một đất nước của các đô thị, với “quy mô lớn” tới mức “khó hình dung nổi”. Tác giả so sánh “quyền lực mềm” của Trung Quốc (vẫn còn “rất mềm” so với thế giới) với “quyền lực cứng” đang “lớn lên từng ngày”, một thực tế được “trưng bày một cách cụ thể bằng lễ duyệt binh hoành tráng tại Quảng trường Thiên An môn” năm 2009 và 2015. Tác giả cũng phân tích kỹ lưỡng cách dùng thuật ngữ rất lạ của ông Tập Cận Bình khi nói đến “Pháp quyền” (rule of law), qua đó hệ thống luật pháp trở thành “công cụ trong tay của đảng cầm quyền để áp đặt ý chí và quyền lực của mình.”
Qua cách tác giả lý giải về cách hiểu vũ đoán đáng lo ngại của đảng về “Pháp quyền”, chúng ta thấy rõ quan điểm của tác giả đã thay đổi từ chỗ tương đối lạc quan trước đây về triển vọng của đảng đến chỗ thất vọng. Shambaugh khẳng định đây là phản ứng hợp lý đối với sự chuyển đổi tự hủy diệt của đảng theo hướng “Chuyên chế Cứng” (Hard Authoritarianism) sau một thập kỷ rưỡi theo hướng “Chuyên chế Mềm” (Soft Authoritarianism). Nhà lãnh đạo Giang Trạch Dân và sau đó là Hồ Cẩm Đào đã có những bước cởi mở đáng khích lệ, tuy quá chậm chạp, nhưng xu hướng này đã dừng lại năm 2007. Tập Cận Bình đã thay đổi cực đoan hơn theo hướng “Chuyên chế Cứng” từ khi lên cầm quyền năm 2012.
Tác giả so sánh Tập Cận Bình với một người lái xe tới ngã ba đường. Liệu anh ta sẽ tiếp tục theo hướng “Chuyên chế Cứng”? Hay quẹo theo hướng “Chuyên chế Mềm”, nới lỏng kiểm soát theo cách đã làm trước đó vào thời kỳ (1982-1989 & 1998-2008)? Hay thoát ra theo con đường “Độc tài Kiểu mới” (Neo-Totalitarian) đưa Trung Quốc trở lại thời kỳ Mao trị (1949-1976)? Hay chọn con đường “Dân chủ Nửa vời” (Semi-Democratic), để biến Trung Quốc thành một Singapore khổng lồ, với hệ thống tranh cử hậu thuẫn cho một đảng và môi trường dân sự không giống một nhà nước chuyên chế mà cũng chẳng giống một nhà nước dân chủ? Shambaugh không thấy khả năng Tập Cận Bình sẽ đưa đất nước theo hướng dân chủ.
Shambaugh nói rằng con đường “Chuyên chế Mềm” và “Dân chủ Nửa với” sẽ có lợi nhất cho quyền lợi của Đảng cũng như của nhân dân Trung Quốc, nhưng ông không tin rằng Tập Cận Bình sẽ theo con đường này. Tác giả lo ngại xu hướng “Độc tài Kiểu mới” tuy không muốn điều này xảy ra. Có nhiều khả năng nhất là Tập Cận Bình sẽ duy trì hướng “Chuyên chế Cứng”, hy vọng bằng cách đó sẽ đảm bảo được sự ổn định.
Theo Shambaugh, vấn đề là Trung Quốc đã ra khỏi giai đoạn phát triển mà tăng trưởng nhanh có thể dựa vào sản xuất hàng rẻ trong những công xưởng lớn đông công nhân sẵn sàng chấp nhận lương thấp. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn các nhà lý luận về hiện đại hóa (modernization theorists) gọi là “bẫy thu nhập trung bình” (middle income trap), mà chỉ có thể thoát ra bằng cách dựa hẳn vào khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới và dẫn dắt các ngành công nghiệp dựa vào tri thức chứ không phải cơ bắp. Tác giả khẳng định kinh nghiệm của các nước chỉ rõ rằng thể chế hiệu quả nhất để đối phó với cái bẫy đó là thể chế dân chủ hoặc chuyên chế nhưng với lãnh đạo cởi mở sẵn sàng cho phép tự do thông tin chứ không như Tập Cận Bình. Phía trước Trung Quốc là hỗn loạn và khủng hoảng, chứ không phải ổn định.
“Tương lai Trung Quốc” là cuốn sách đặt ra nhiều giả thiết hơn là hai cuốn sách trước đó của Shambaugh, nhưng nó đủ bổ xung cho nhau để độc giả xem như bộ ba cuốn sách đáng đọc. Một lần nữa các quan điểm của Shambaugh dựa trên tham khảo rộng rãi nguồn tư liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh, kết hợp với xem xét kỹ lưỡng một cách chiết trung các tài liệu bằng tiếng Hoa, và các quan sát trực tiếp rút ra từ các chuyến thăm Trung Quốc. Tác giả một lần nữa đã tóm tắt một cách xúc tích và có lý những vấn đề cụ thể.
Tôi chia sẻ với Shambaugh về nhiều hy vọng và lo ngại, và nhất trí với hầu hết những gì tác giả nói đã diễn ra cho đến gần đây. Nhưng tôi không tán thành với quan điểm của tác giả cho rằng thành quả của các nước phát triển đã chỉ dẫn về tương lai của Trung Quốc. Các nhà lý luận về hiện đại hóa không có nhiều kinh nghiệm thành công như tác giả nói. Dù họ có đi nữa thì tôi cũng nghi ngờ khả năng ứng dụng ý tưởng của họ vào tình huống bất ổn hiện nay. Sự diễn biến của các sự kiện thường chứng minh ngược lại với các giả thuyết về xu hướng chính trị liên quan đến chủ nghĩa chuyên chế dưới mọi hình thức. Trong thế giới liên kết với nhau chặt chẽ như ngày nay thì cái gì xảy ra chỗ này có thể tác độc lớn đến các chỗ khác, thay đổi cách nghĩ của dân chúng và lãnh đạo đối với các vấn đề như ổn định, phát triển, và rủi ro trong việc duy trì đường lối cũ hay thử nghiệm một đường lối mới.
Tập Cận Bình có thể giống như một lái xe đến ngã ba đường, nhưng chúng ta phải luôn để ý đến những vấn đề khác nữa chứ không phải chỉ có con đường đưa ông ta đến, và những con đường mà những người lái xe trước đó đã chọn. Trên quốc lộ có nhiều lái xe tính khí bất thường, nên việc họ đi thẳng hay quẹo đột ngột là rất khác biệt.

Thứ Ba, 29 tháng 3, 2016

Khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra năm 2019-2020 khi FED tăng lãi suất lên 2-3,5%.

Dấu hiểu khủng hoảng kinh tế toàn cầu từ việc FED tăng lãi suất lên mức cao.
Trước năm 2004, FED giữ lãi suất < 2%
Từ 2004-2006, FED tăng lãi suất từ 2 lên mốc 5,25% vào ngày 20-9-2006. Sau đó 2007-2008 là khủng hoảng kinh tế.
Lần này cũng thế, hiện lãi suất của FED là 0,25% sau khi giữ mức 0% từ 2009-2015. Từ đây đến 2017 FED sẽ tăng lãi suất lên 2-3%, mỗi lần tăng 0,25%. Có thể 1 năm tăng 5-8 lần.
Khi FED tăng lãi suất thì các nước vay nợ USD lớn như China sẽ sụp đỗ, các nước nhỏ sụp đổ theo và khủng hoảng kinh tế bắt đầu
Khủng hoảng kinh tế thì bds, chứng khoán giảm mạnh, doanh nghiệp phá sản,...tài phiệt sẽ vào thâu tóm giá rẻ


Sau khi hạ lãi suất xuống mức thấp nhất trong 45 năm còn 1% vào năm 2003, Fed bắt đầu bình thường hóa chính sách tiền tệ từ năm 2004 và 2005 với năm và tám lần tăng lãi suất theo tỷ lệ 25 điểm/lần, nâng lãi suất Fed lên 4,25% vào cuối năm 2005. Chính sách siết chặt lãi suất có tác dụng kiềm chế lạm phát mà lại không cản trở quá trình phục hồi kinh tế sau cuộc suy thoái 2000-2001 nhờ hiệu ứng tích cực của gói kích thích thuế trị giá 212 tỷ đô-la được chính quyền Bush chi ra

Năm 2006, FED tăng 3 lần lãi suất: dấu hiệu năm 2007-2008 khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
1. Ngày 29-3-2006, FED đã tăng lãi suất cơ bản từ mức 4,5%/năm lên 4,75%/năm: đây là đợt tăng lãi suất thứ hai kể từ đầu năm 2006 và gần như tức thời, lãi suất USD trên các thị trường tiền tệ chủ chốt của thế giới như lãi suất thị trường liên ngân hàng Singapore (Sibor), lãi suất thị trường liên ngân hàng Luân Đôn (Libor) cũng đều tăng lên
2. Bất chấp “tuyên bố” trong báo cáo tháng 4-2006 trước đó, FED đã tăng lãi suất cơ bản lên 5% vào ngày 10-5-2006
3. Đầu tháng 8-2006, FED đã tuyên bố chấm dứt chiến dịch tăng lãi suất kéo dài suốt từ năm 2004 và tối 20-9-2006 vừa qua, kết thúc cuộc họp thường kỳ, FED đã quyết định giữ nguyên lãi suất USD ở mức 5,25% như hiện nay


http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/11150302-.html

https://vi.pomdy.com/sach/giao-dich-ngoai-hoi-va-phan-tich-lien-thi-truong/chuong-4-bat-dau-thoi-ky-suy-yeu-cua-dong-do-la-2002-2007/2005-hang-hoa-tang-cung-voi-do-la-nghiep-vu-kinh-doanh-chenh-lech-lai-suat-len-ngoi/

Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

TẠI SAO GỌI LÀ FED MÀ KHÔNG PHẢI LÀ CENTRAL BANK?

Mặc dù, về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ của Central Bank giống như FED hay Reserve Bank, nhưng giữa Central Bank và FED vẫn có những điểm khác nhau khá lớn, tùy thuộc vào tính chất “sở hữu về vốn” và sự lựa chọn “mô hình” mà các quốc gia áp dụng. Bài viết này không đi sâu so sánh bất cứ vấn đề gì giữa Central Bank và FED hay Reserve Bank, mà chỉ tóm lược một vài sự kiện quan trọng, tạo nên cái gọi là FED Hoa Kỳ, và các cuộc khủng hoảng tài chính do các thế lực tài phiệt quốc tế gây ra, để làm căn cứ cho bạn đọc tự so sánh, tìm hiểu.

1. Hội nghị Trà Boston – Giọt nước tràn ly

Như chúng ta đã biết, Hoa Kỳ vốn là thuộc địa của Anh cho đến năm 1774, để phản đối chính sách thuế của Anh đánh vào Trà (tea tax), một hội nghị trà được được tổ chức tại Boston (Boston Tea Party). Nhân dịp này, nhiều người Mỹ đóng giả người da đỏ nhảy lên tàu chở trà của Anh khiêu chiến và ném các thùng trà xuống biển. Hành động đó đã bị chính quyền cai trị Anh đàn áp. Để chống trả, phía Mỹ đã thành lập các đội quân chiến đấu chống lại quân đội Anh. Nhân sự kiện này, vào năm 1774, ông Benjamin Franklin đã đứng ra triệu tập một Hội nghị ở Philadelphia để đưa ra chính sách về quyền của người Mỹ được đóng thuế. Trong đó ông Benjamin nhấn mạnh: “Nếu như ngân hàng Anh không tước đoạt quyền phát hành tiền tệ của xứ thuộc địa (tức nước Mỹ) thì người dân của xứ này sẽ vui vẻ đóng các khoản thuế trà và các sản phẩm khác… và nó trở thành nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc chiến tranh độc lập của Mỹ”. Sau đó, với sự chiến thắng vang dội của đoàn quân Massachusetts, Hội nghị đã cho ra Bản tuyên ngôn độc lập ngày 4/7/1776 và dưới sự lãnh đạo tài tình của Tướng George Washington, quân đội Mỹ đánh thắng quân đội Anh vào năm 1781, theo Hiệp ước Versailles, năm 1785 Anh quốc chính thức công nhận độc lập cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Tại thời điểm này, vai trò và tầm ảnh hưởng của ông Benjamin Franklin được xếp sau Tướng George Washington. Ông Benjamin được coi là người cha lập quốc của nước Mỹ, ông là người duy nhất ký tên vào 4 tài liệu chính thức về việc thành lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đó là: Tuyên ngôn độc lập, Hiệp ước Paris, Hiệp ước liên minh với Pháp, Hiến pháp Mỹ.

Quay lại Hội nghị trà Boston, người ta coi Hội nghị tiệc trà Boston như là giọt nước tràn ly, đưa cuộc cách mạng Mỹ đến thắng lợi, trong đó hệ thống tài chính - tiền tệ Hoa Kỳ bắt đầu có những bước thay đổi. Cụ thể: dưới thời thuộc địa Anh, vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, in ấn và phát hành tiền do Anh quốc thực hiện. Sau độc lập, vấn đề điều hành chính sách tiền tệ và in ấn phát hành tiền do Hoa Kỳ đảm nhận. Tuy nhiên, dưới sức ép của các nhà tài phiệt châu Âu chủ yếu là Anh, Pháp, Đức, Italia và các nhà tài phiệt Ngân hàng Hoa Kỳ, hệ thống ngân hàng Mỹ, đặc biệt là vị trí của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ bị các thế lực tài phiệt biến thể liên tục theo hướng NHTW tư hữu, đúng như mô hình NHTW tư hữu Anh quốc. Nói đúng hơn là NHTW Hoa Kỳ đã trải qua các cuộc chiến “đẫm máu” nhằm xác lập tính chất “sở hữu” của NHTW thuộc về ai: Chính phủ hay các nhà tài phiệt tư nhân. Trong đó, tên gọi (nguồn gốc của FED) diễn biến như sau: từ 1791-1811, có tên gọi là “First Bank of the United States” (học theo mô hình ngân hàng Anh quốc) do Tổng thống Washington ký thành lập và có hiệu lực trong vòng 20 năm. Trong đó, các nhà tài phiệt tư nhân Hoa Kỳ như J.P Morgan, Rockefeller và Gia tộc Rothschild chiếm 80% cổ phần, Chính phủ Hoa Kỳ chỉ nắm giữ 20%. Năm 1811-1816, không có Central Bank; năm 1816-1836, là “Second Bank of the United States”, trong đó, các nhà tài phiệt Hoa Kỳ và Gia tộc Rothschild tiếp tục nắm giữ 80% cổ phần, còn Chính phủ Hoa Kỳ chỉ nắm giữ 20%. Từ năm 1837-1862, là Free Bank Era; từ 1846-1921, là Independent Treasury System; từ 1863-1913, là National Banks; từ 1913 - đến nay là Federal Reserve System, tức FED ngày nay. Như vậy, tên gọi của FED liên tục được thay đổi qua các thời kỳ, trong đó có những giai đoạn xuất hiện cùng lúc ba loại hình: Free Bank Era, Independent Treasury System, National Banks… Mãi đến năm 1913, mới chính thức có tên gọi là “Hệ thống dự trữ liên bang” (FED). Tại sao vậy, câu chuyện bí mật đảo JekyII là một phần của lịch sử FED.

2. Bí mật đảo JekyII – Nơi sản sinh ra Federal Reserve (FED)

Để cải tổ và vực dậy nền tài chính Hoa Kỳ sau cuộc đại khủng hoảng tài chính xảy ra tại Mỹ năm 1907, năm 1908, Tổng thống Theodore Roosevelt (1901-1909) là vị Tổng thống thứ 26 của Mỹ quyết định thành lập Ủy ban tiền tệ quốc gia (National Monetary Commission) để chỉnh đốn và cải cách hệ thống tài chính Mỹ. Chủ tịch Ủy ban tiền tệ quốc gia lúc bấy giờ là Nghị sỹ Nelson Aldrich (phía bên ngoại của David Rockefeller). David Rockefeller là ông vua dầu lửa, Chủ tịch tập đoàn dầu lửa Standard Oil, được mệnh danh là người giàu nhất nước Mỹ cho đến khi ông qua đời năm 1937. Trước khi bắt tay vào cải cách, ông Aldrich và các thành viên trong Ủy ban đã tiến hành chuyến “công du” châu Âu trong vòng 2 năm nhằm khảo sát và nghiên cứu toàn diện hệ thống tài chính châu Âu. Khi trở về nước, ông cùng các thành viên và các nhà tài phiệt ngân hàng hàng đầu nước Mỹ lúc bấy giờ bắt tay vào thực hiện công cuộc cải tổ hệ thống tài chính và ngân hàng Mỹ, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương. Dấu mốc được đặt vào ngày 22/11/1910, tức ngày mà Nelson Aldrich cùng các nhà tài phiệt ngân hàng quan trọng nhất nước Mỹ lúc bấy giờ tiến ra hòn đảo JekyII thuộc bang Georgia. Là một hòn đảo nghỉ đông thuộc sở hữu của những nhân vật giàu có siêu hạng ở Mỹ, trong đó có J.P.Morgan. Morgan cũng là người thành lập ra câu lạc bộ đi săn trên đảo JekyII. Tại đây, Nelson Aldrich đã thành lập “The First Name Club”, với tên gọi của câu lạc bộ như vậy, buộc tất cả những người phục vụ trên đảo JekyII chỉ được xưng tên, tuyệt đối không được xưng họ đối với những vị khách quan trọng (đến từ đất liền). Tức người ta tránh không nhắc tới “Last Name” nhằm không cho ai biết, kể cả người hầu, nghĩa là dù bất cứ ai trên đảo có nghe trộm các cuộc đàm thoại của những nhân vật chóp bu về tài chính này thì cũng không biết tên họ là ai, để nói lại cho người ngoài hay báo chí biết về họ. Chính vì vậy, cho đến ngày nay, ít có tài liệu nhắc đến hoặc viết một cách đầy đủ về The First Name Club. Đó là điều bí mật gắn liền với hòn đảo JekyII Island, ngoài khơi bang Georgia, được coi là cái nôi sinh ra FED. Nhóm người do Nelson Aldrich dẫn đầu gồm một số nhân vật được chọn lọc rất cẩn trọng trong giới tài chính và ngân hàng Hoa Kỳ lúc bấy giờ. Trong số đó, người đóng vai trò quan trọng nhất là ông Paul Warburg (1868-1932) người Mỹ gốc Đức, di cư sang Mỹ năm 1904, nhập quốc tịch Mỹ năm 1911. Paul đến Mỹ và hùn một khoản vốn khổng lồ vào Công ty Kuhn Loeband Company tại New York. Paul cũng là đại diện của dòng họ Rothschild nổi tiếng ở Đức, Anh, Pháp, Italia đảm nhận chức Tổng công trình sư của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), kiêm chủ tịch đầu tiên của FED. Paul Warburg có 4 anh em đều là những nhân vật nổi tiếng trong giới tài phiệt ngân hàng thời bấy giờ, gồm: Max Warburg - anh trai cả là Cục trưởng Cục tình báo Đức, Paul Warburg là người em thứ hai giữ chức Chủ tịch FED nhiệm kỳ đầu tiên và là người giữ chức vụ cao nhất về tài chính Hoa Kỳ thời bấy giờ, Felix Warburg - em trai thứ ba là cổ đông cao cấp của Công ty Kuhn Loeb, Fritz là em trai thứ tư giữ chức Chủ tịch Sở giao dịch Vàng Humburg – Đức, là người từng đại diện cho Chính phủ Đức bí mật giảng hòa với Nga. Cả bốn anh em nhà họ Warburg đều là những nhân vật chóp bu mang trong mình dòng máu do thái – Người Đức. Xin nhắc lại rằng, mặc dù Gia tộc Rothschild không có mặt trên đảo JekyII, nhưng toàn bộ định hướng hình thành FED đều do Gia tộc Rothschild (bài viết sẽ đề cập cụ thể ở phần tiếp theo) điều khiển đằng sau hậu trường thông qua Paul Warburg nhân vật chính thiết kế ra FED. Cùng với Paul là các nhân vật tài phiệt như: Nelson Aldrich – thượng nghị sỹ, Chủ tịch Ủy ban tiền tệ quốc gia; A.Piatt Andrew – Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ; Frank Vanderlip – Chủ tịch National Bank City; Henry P. Davision – cổ đông cao cấp của Công ty J.P.Morgan; Charles D.Norton – Chủ tịch First National Bank; Benjamin Strong – trợ lý của J.P.Morgan. Nhóm làm việc do Nelson Aldrich chủ trì đã họp trong vòng 9 ngày liên tục, để viết nên một dự luật cải tổ hệ thống ngân hàng và luật pháp tiền tệ trình lên Quốc hội. Dự luật mới có những đặc điểm khác với dự luật trước đó, ở chỗ: như đã đề cập ở trên, tên gọi của Ngân hàng Quốc gia Hoa Kỳ thay đổi liên tục, cho đến năm 1863-1913, mới chính thức gọi là Ngân hàng Quốc gia Hoa Kỳ (được hiểu là Ngân hàng Trung ương). Sau khủng hoảng tài chính 1907, những yếu kém của Ngân hàng Quốc gia bộc lộ, niềm tin dân chúng vào sự điều hành của Ngân hàng Quốc gia suy giảm mạnh, bởi Ngân hàng Quốc gia là ngân hàng tư nhân, do các nhà tài phiệt ngân hàng tư nhân Hoa Kỳ và quốc tế lập nên. Chính vì vậy, để phục hồi sức mạnh của Ngân hàng Quốc gia do tư nhân nắm giữ, điều đặc biệt đầu tiên của dự thảo mới là đổi tên Ngân hàng Trung ương thành Cục Dự trữ liên bang (Federal Reserve System – FED) mặc dù bản chất bên trong không thay đổi. Việc đổi tên từ “Ngân hàng” sang “Dự trữ” nhằm đánh lạc hướng dư luận công chúng, làm cho công chúng tin rằng cơ quan điều hành này là cơ quan của Chính phủ, do nhân viên Chính phủ điều hành, chứ không phải là “tư nhân điều hành” (các nhà tài phiệt). Hơn nữa, tên gọi Ngân hàng Trung ương thường liên quan đến hàng loạt âm mưu đen tối của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế Anh quốc, vì thế Paul kiến nghị nên sử dụng tên gọi “Cục Dự trữ liên bang” (FED) thay cho NHTW để che đậy tai mắt thiên hạ. Bên cạnh đó, FED của Mỹ được thiết kế theo kiểu tư nhân nắm giữ cổ phần. Khác với Ngân hàng Thứ nhất (1791-1811 có tên gọi là “First Bank of the United States”) và Ngân hàng Thứ hai (1816-1836 có tên gọi là “Second Bank of the United States”), đó là trong cơ cấu cổ phần của FED thì 20% cổ phần vốn có của Chính phủ tại Ngân hàng Thứ nhất và Thứ hai, nay đã được tư nhân hóa, do đó FED trở thành một NHTW tư hữu thuần túy. Thứ hai: nhân vật chịu trách nhiệm chủ trì FED phải là một chuyên gia hàng đầu của Ngân hàng New York. Để nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ đến từ các bang khác, đặc biệt là các bang thuộc miền Trung tây nước Mỹ vốn không ưa các chuyên gia đến từ miền Đông, trong đó có Ngân hàng New York. Vì vậy, Paul thiết kế làm sao cho 12 ngân hàng địa phương cấu thành vào FED nhằm trung hòa các mối quan hệ, và thuận cho việc lựa chọn nhân vật đứng đầu FED phải là của Ngân hàng New York. Mặc dù trên thực tế, Ngân hàng New York luôn nắm vị trí “thống lĩnh”, các chủ trương chính sách do Ngân hàng New York đưa ra đều là kim chỉ nam hành động cho toàn bộ các ngân hàng địa phương thực hiện. Thứ ba: trụ sở chính của FED đóng tại Washington chứ không phải là New York, mặc dù New York là trung tâm tài chính (Phố Wall) không những của Hoa Kỳ mà của toàn thế giới, đây cũng là vấn đề được Paul thiết kế nhằm tránh sự kỳ thị của dân chúng Mỹ đối với các ngân hàng đến từ New York thời bấy giờ. Thứ tư: tìm những người đứng đầu 12 FED địa phương, trong đó Paul cho thấy một điều rằng: các nghị sỹ miền Trung tây nước Mỹ thường tỏ rõ mối thù địch với Ngân hàng New York, do đó, để khống chế 12 FED địa phương, Paul đề xuất Tổng thống là người chịu trách nhiệm bổ nhiệm người đứng đầu 12 FED địa phương, mà không phải là Quốc hội. Đối với FED Trung ương, Hội đồng Thống đốc FED có 7 thành viên, Chủ tịch FED do Tổng thống bổ nhiệm, 2 thành viên khác của FED đại diện cho Chính phủ là Bộ Tài chính và Kho bạc Mỹ, còn lại là các ông chủ ngân hàng tư nhân. Trong đó, Tổng thống chỉ được quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm 1 thành viên trong vòng 2 năm. Như vậy, 1 nhiệm kỳ Tổng thống 4 năm thì Tổng thống chỉ được quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm 2 thành viên trong Hội đồng Thống đốc FED. Nếu nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 8 năm (2 nhiệm kỳ) thì quyền bổ nhiệm và miễn nhiệm chỉ được tối đa 4 người, và 4 người này phải được Thượng viện thông qua, đó là điều không dễ. Lịch sử Mỹ đã chứng minh điều này. Chẳng hạn Ông Alan Greenspan nguyên là Giám đốc Tập đoàn J.P.Morgan, được Tổng thống Reagan bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch FED vào năm 1987, cho đến năm 2006 mới nghỉ hưu, Ông đã trải qua 4 đời Tổng thống, mà không phải “nghỉ giữa chừng”, điều đó chứng tỏ sức mạnh độc lập của FED và vai trò “điều khiển” của các nhà tài phiệt Hoa Kỳ đủ để nói lên tính khác biệt trong điều hành của mình so với các quốc gia khác.

3. Vốn, mạng lưới và in ấn tiền của FED

- Vốn: vốn của FED do các FED địa phương đóng góp, trong đó FED Bank của New York (Federal Reserve Bank of New York) nắm đa số cổ phần, chiếm 53% cổ phần và quyết định toàn bộ hoạt động của FED. Trong FED Bank của New York thì Citibank và J.P.Morgan Chase Co nắm đa số cổ phần. Citibank là của gia đình Rockefeller - ông vua dầu lửa như đề cập trên. Còn J.P.Morgan Chase Co là của gia đình Morgan. J.P.Morgan (1837-1913) là ông trùm của ngành công nghiệp Mỹ, ông đã thành lập Tập đoàn Thép Hoa Kỳ với tổng số vốn lên đến hàng tỷ USD, bảo trợ tài chính cho International Havester, AT&T, General Electric, là cha đẻ của dự án xây dựng hệ thống đường ray của Mỹ. Đặc biệt dưới sự lãnh đạo của ông, các ngân hàng lớn của New York đóng vai trò như là Ngân hàng Trung ương của Mỹ. Do đó, các chính sách FED Bank của New York đưa ra được coi như là định hướng cho toàn bộ các FED địa phương thực hiện. Một điều đặc biệt nữa, đó là trong thời kỳ điều hành của J.P.Morgan, ông đã kết hợp được lợi ích của các công ty cạnh tranh để tạo ra một hệ thống khổng lồ và ổn định. Hai gia đình Rockefeller và J.P.Morgan cùng với gia đình Carnegie (Vua sắt thép của nền công nghiệp Mỹ) và gia đình Rothschild (dòng họ người do thái, định cư tại Đức), nổi tiếng và giàu có trên thế giới. Mỗi khi nói đến dòng họ này là người ta suy nghĩ ngay đến quyền lực và tiền bạc. Gia đình Rothschild đã xây dựng nên một hệ thống ngân hàng tư nhân và chi phối phần lớn thị trường tiền tệ, tín dụng châu Âu trong một thời kỳ dài. Tên ông gắn liền với Ngân hàng Rothschild tại 5 trung tâm tài chính tiền tệ lớn nhất châu Âu lúc đó là: Frankfurt-Đức, London –Anh, Paris-Pháp, Vienne-Áo, Napoli-Italia do 5 con trai của ông làm chủ. Nếu Bill Gates – ông chủ tập đoàn Microsoft hiện được giới truyền thông liệt vào danh sách một trong những người giàu có nhất thế giới hiện nay, thì những thế lực vô hình như Gia tộc Rothschild ít khi xuất hiện trong top những người giàu nhất, mặc dù trên thực tế, họ mới chính là những người giàu nhất hành tinh, trên cả Bill Gates nhiều lần, song do giới truyền thông bị các ông trùm này “khóa miệng” nên không ai có thể biết được tài sản của họ là bao nhiêu.

Hiện tại, có 7 nhân vật quan trọng của Phố Wall đang khống chế đại bộ phận các ngành công nghiệp cơ bản cũng như nguồn vốn của nước Mỹ đó là: J.P Morgan, James J.Hill, George Berk (Chủ tịch First National Bank) trực thuộc Tập đoàn Morgan; 4 người còn lại là John Rockefeller, William Rockefeller, James Stillman (Chủ tịch National City Bank), Jacob Schiff (Công ty Kuhn Loeb) trực thuộc Tập đoàn Standard Oil Cities Bank. Đầu mối trung tâm về vốn do họ tạo nên đang trở thành thế lực chủ yếu khống chế nước Mỹ. Cũng chính 7 vị tai to mặt lớn của Phố Wall chính là những người thực sự điều khiển việc thành lập Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Sự phối hợp nhịp nhàng và hết sức bí mật giữa những ông trùm trên với Gia tộc Rothschild của châu Âu cuối cùng đã lập nên một phiên bản của Ngân hàng Anh quốc tại Mỹ có tên gọi là FED tư nhân hoàn toàn.

- Mạng lưới chi nhánh của FED: Federal Reserve System gồm có 12 FED bank địa phương, mỗi FED bank địa phương là 1 bank thuộc sở hữu của các ông chủ nhà bank tư nhân, bao gồm: 1- Boston, 2-New York, 3- Philadelphia, 4- Clavelands, 5- St Louis, 6- San Francisco, 7- Richmond, 8- Atlanta, 9-Chicago, 10- Minneapolis, 11- Kansas City, 12 – Dallas.

- In ấn tiền: Hiện tại, việc in ấn tiền tại Hoa Kỳ do 2 cơ quan đảm nhận, cụ thể: FED (bao gồm 12 FED New York và địa phương) đảm nhận việc phát hành tiền giấy, Bộ Tài chính phát hành tiền xu (coins) có mệnh giá One Cent, Five Cents, One Dime, One Quarter và một số đồng tiền One Dollar. Trong đó, mỗi một FED khu vực được ký hiệu bằng 1 chữ cái, những chữ cái này in trên giấy bạc mà các FED phát hành, cụ thể nhìn bên trái tờ tiền dolla chúng ta thấy có chữ ký hiệu A ở phía 4 góc có ghi số 1 nằm trong lòng tờ tiền, tức đồng tiền đó do FED Boston in ấn; tương tự FED New York là B, bốn góc có số 2 nhỏ, tức đồng tiền đó do FED New York in ấn; FED Philadelphia là C {3}, FED Clavelands là D {4}, FED Richmond là E {5}, FED Atlanta là F {6}, FED Chicago là G {7}, FED St Louis là H {8}, FED Minneapolis là I {9}, FED Kansas City là J {10}, FED Dallas là K {11} và FED San Francisco là L {12}.

4. Khủng hoảng tài chính và vai trò của các nhà tài phiệt Ngân hàng quốc tế

Do FED bị khống chế bởi các nhà tài phiệt ngân hàng và tập đoàn công nghiệp hàng đầu tại Mỹ và châu Âu nói trên, nên trước khi FED ra đời, hay sau khi FED ra đời thì bản chất hoạt động cũng không có gì thay đổi. FED luôn đóng vai trò là NHTW của Hoa Kỳ và cũng là NHTW của thế giới, bởi FED luôn hội tụ những bậc kỳ tài về lĩnh vực tài chính ngân hàng (nói đúng hơn là những nhà tài phiệt hàng đầu thế giới về lĩnh vực ngân hàng) nắm giữ vai trò điều hành FED. Họ là những thế lực có thể tạo ra bất cứ cuộc khủng hoảng nào, nếu họ cần. Vì vậy, bất cứ cuộc khủng hoảng nào xảy ra, đều có nguyên nhân và ẩn chứa đằng sau đó là cả một thế lực thao túng. Chẳng hạn, theo thống kê, các khủng hoảng tài chính xảy ra từ những năm 1857 đến nay đều do các thế lực tài phiệt ngân hàng tạo ra, nhằm gây áp lực với Chính phủ nếu một chính sách nào đó gây bất lợi cho các nhà tài phiệt, hay các ngân hàng “cứng đầu” không tuân theo FED New York, nơi đặt trụ sở chính của các nhà tài phiệt Phố Wall Hoa Kỳ và châu Âu. Theo Tác phẩm “Chiến tranh tiền tệ” (Currency Wars ) của tác giả Song HongBing cho biết: Phố Wall không ngừng áp dụng thủ đoạn tạo ra khủng hoảng tài chính để loại bỏ các phần tử đối lập. Trong các năm 1857, 1870, 1907 vì muốn ép Chính phủ Mỹ xây dựng lại NHTW tư hữu (tức FED ngày nay), các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế liên tục hợp tác và cùng nhau tạo ra khủng hoảng tài chính. Cuối cùng họ cũng đạt mục đích là thành lập FED tư hữu theo ý muốn thông qua các cuộc khủng hoảng tài chính, từ đó khống chế hoàn toàn quyền phát hành tiền của Mỹ. Chỉ tính riêng cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra tại Mỹ năm 1930 đến 1933, tổng cộng đã có 8.812 ngân hàng phải đóng cửa, do các ngân hàng này từng tỏ thái độ “bằng vai phải lứa” với 5 đại gia tài chính ở New York, đồng thời không chịu vay nợ từ hệ thống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên các ngân hàng vừa và nhỏ đã phải nối đuôi nhau phá sản. Đứng về người vay tiền, chỉ tính riêng 1 ngày, tại 1 bang của Hoa Kỳ trong cuộc khủng hoảng 1930-1933 đã có 60.000 ngôi nhà và nông trường bị phát mại. Một thủ đoạn kiếm tiền khác của các ngân hàng quốc tế đó là tạo ra các cuộc suy thoái kinh tế. Trước tiên, họ mở hầu bao để thúc đẩy tín dụng phát triển, tạo nên tình trạng thị trường bong bóng, rồi sau khi tài sản của người dân đã đổ dồn vào cơn sóng đầu cơ thì rút mạnh vòng quay lưu chuyển tiền tệ, tạo nên suy thoái kinh tế và sụt giá tài sản. Khi giá tài sản sụt xuống chỉ còn 1/10, thậm chí, là 1/100 giá trị thực thì các nhà tài phiệt lại ra tay mua vào. Trong ngôn ngữ của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế thì hành động này được gọi là “xén lông cừu” (fleecing of the flock). Sau khi Ngân hàng Trung ương tư nhân được thành lập, cường độ và phạm vi của hành động “xén lông cừu” đã đạt đến mức chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Hành động xén lông cừu được các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế ra tay gần đây nhất chính là tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 trên cơ thể các con “hổ nhỏ” và “rồng nhỏ” của châu Á. Tương tự, chúng ta có thể thấy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 cũng là cuộc “xén lông cừu” trên phạm vi toàn cầu. Cuộc khủng hoảng đã buộc 106 ngân hàng tại Mỹ phải đóng cửa, phá sản (chưa kể các ngân hàng châu Âu) và buộc hàng triệu người dân từ Âu sang Á lâm vào cảnh nợ nần…; các ngân hàng đóng cửa tại Mỹ trong cuộc khủng hoảng này vẫn chủ yếu là những ngân hàng nhỏ, địa phương. Nếu đánh giá khủng hoảng ở hai góc nhìn “các nhà tài phiệt” và “dân chúng”, tác phẩm “Curruncy Wars” cũng đưa ra nhận xét rằng: “Điều mà các nhà tài phiệt ngân hàng cần chính là nguy cơ khủng hoảng và suy thoái nghiêm trọng trong đời sống xã hội. Dưới sự đe dọa của khủng hoảng và suy thoái, người dân dễ trở nên thỏa hiệp nhất, sự đoàn kết dễ bị phá vỡ nhất, dư luận dễ bị dẫn dắt nhất, sức tập trung xã hội dễ bị phân tán nhất, và đương nhiên, mưu kế của các nhà tài phiệt ngân hàng cũng dễ được thực hiện nhất. Vì vậy, khủng hoảng và suy thoái được các nhà tài phiệt ngân hàng xem như một thứ vũ khí được sử dụng một cách hiệu quả nhất nhằm đối phó với Chính phủ và người dân”.

Rõ ràng, khủng hoảng và suy thoái là con bài của các nhà tài phiệt ngân hàng quốc tế tạo ra, do đó trong môi trường toàn cầu hóa, các sách lược đối phó với khủng hoảng và suy thoái của các quốc gia đang phát triển cần phải hết sức thận trọng và chính xác mới tránh được các bẫy “xén lông cừu” của các nhà tài phiệt quốc tế.

Theo TS. Tôn Thanh Tâm Tạp chí Ngân hàng (Số 23/2009)

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

BẦU CHÍNH THỨC VÀ KHÔNG CHÍNH THỨC
Vào đêm bầu cử, khi kết quả phiếu phổ thông được công bố, ghế tổng thống dường như đã được chọn, ứng cử viên bắt đầu tổ chức ăn mừng. Với nhiều người Mỹ, cuộc bầu cử xem như kết thúc. Ứng cử viên đã được bỏ phiếu bầu, lá phiếu phổ thông đã được đếm và kết quả đã được công bố. Họ quên rằng kết quả này là KHÔNG CHÍNH THỨC. Bằng việc đi bỏ phiếu, họ tham gia phần đầu trong quá trình bầu cử hai phần. Bước kế tiếp là lá phiếu đại cử tri – hình thức mà đến tận nay không ít dân Mỹ còn chưa hiểu.
Dân Mỹ bỏ phiếu chọn tổng thống (vote for president) nhưng họ không thật sự bầu tổng thống (elect president). Năm 1787, những người soạn Hiến pháp cho rằng dân chúng không đủ khôn ngoan để đánh giá đức hạnh ứng cử viên tổng thống và họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng ghế tổng thống nên được Quốc hội quyết định. Vì vậy, họ thành lập cử tri đoàn, như một cách dàn xếp giữa hai chọn lựa trên (để dân chúng bầu trực tiếp hoặc để Quốc hội quyết định).
Chính các đại cử tri (elector) trong cử tri đoàn (Electoral College) mới thật sự là những người quyết định ghế tổng thống chứ không phải cử tri phổ thông (voter). Hiến pháp cho phép các bang chọn đại cử tri. Thoạt đầu, đại cử tri được chỉ định bởi các nhà làm luật tại bang và cuối cùng được chính thức chọn làm đại cử tri bởi sự ủng hộ của các nam công dân thuộc hàng có tên có tuổi của các bang khác. Dần dần, các đảng ở từng bang tự đứng ra chọn đại cử tri.
Tuy điều này dẫn đến tình trạng đại cử tri có thể thiên vị (từng bị báo chí phản đối nhiều) nhưng luật không cấm. Đầu tháng 12, đại cử tri sẽ tập trung lên thủ phủ bang mình để bỏ phiếu bầu tổng thống, sau khi cuộc bầu cử phổ thông được thực hiện vào tháng 11. Có 26 bang không yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu cho tương ứng với lá phiếu phổ thông và có 19 bang (trong đó có khu vực Washington D.C.) buộc đại cử tri phải bỏ phiếu tương ứng với lá phiếu phổ thông. Tuy nhiên, không ai phạt vạ gì khi đại cử tri không tuân thủ điều trên. Chỉ 5 bang có luật phạt đại cử tri không tuân thủ luật này nhưng mức phạt không đáng kể (Oklahoma chẳng hạn, mức phạt là 1.000 USD). Trong các mùa bầu cử gần đây, tiến trình bầu của cử tri phổ thông và đại cử tri diễn ra gần như cùng lúc.
SỰ CHI PHỐI CỦA “ELECTORAL MAP”
Mỗi bang có số đại cử tri tương đương số thượng nghị sĩ và dân biểu của bang mình trong Quốc hội. Tổng cộng, số đại cử tri được phân phối hiện nay là 538, vì Quốc hội có 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ (ba đại cử tri cộng thêm thuộc khu vực Washington D.C., được thêm vào theo Tu chính luật 23rd ra đời năm 1961). Sự phân phối kiểu này được gọi là “electoral map” (bản đồ đại cử tri) và được điều chỉnh theo từng thập niên.
Thập niên 1981-1990, Florida có 21 lá phiếu đại cử tri, thập niên 1991-2000 có 25; thập niên 2001-2010 có 27; và 29 từ năm 2012-2020 (dẫn từ trang web Ủy ban bầu cử liên bang Hoa Kỳ – www.fec.gov). Nói cách khác, việc thành lập cử tri đoàn mang ý nghĩa đem lại công bằng cho các bang nhỏ ít dân (nơi lá phiếu phổ thông ít) ngang với các bang lớn đông dân, vì bang nào cũng có đại cử tri. Tuy nhiên, bang có dân số đông cũng có nhiều phiếu đại cử tri hơn! Vì vậy, các bang lớn luôn có tính quyết định cho cuộc chạy đua giành ghế tổng thống. Năm 1888, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland có 48,6% phiếu phổ thông trong khi đối thủ Cộng hòa Benjamin Harrison có 47,8% phiếu phổ thông nhưng cuối cùng Benjamin Harrison vẫn đắc cử vì ông có 233 phiếu đại cử tri so với 169 phiếu đại cử tri của Cleveland.
Theo Hiến pháp, trong trường hợp không ứng cử viên nào giành đa số phiếu đại cử tri, sự chọn lựa sẽ phụ thuộc vào Quốc hội. Hạ viện, với mỗi bang bỏ một phiếu, sẽ chọn tổng thống và Thượng viện chọn phó tổng thống theo cùng cách. Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, có ba lần Quốc hội thực hiện chức trách trên. Năm 1800, Hạ viện chọn Thomas Jefferson trước đối thủ Aaron Burr sau khi họ tranh nhau sát nút trong tỉ lệ phiếu đại cử tri.
Năm 1824, không ai trong bốn ứng cử viên nhận được đa số phiếu đại cử tri, John Quincy Adams đã được chọn trước Andrew Jackson và William H. Crawford sau khi ứng cử viên Henry Clay quay sang ủng hộ John Q. Adams. Năm 1876, Rutherford B. Hayes thắng trước đối thủ Samuel J. Tilden sau tình huống bế tắc gây tranh cãi (Hayes thua ở tỉ lệ phiếu phổ thông nhưng hơn Tilden ở tỉ lệ phiếu cử tri). Năm 1888, một lần nữa, ghế tổng thống Mỹ lại dành cho một ứng cử viên thua ở lá phiếu phổ thông nhưng hơn ở lá phiếu đại cử tri. Đó là trường hợp ứng cử viên Cộng hòa Benjamin Harrison trước ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland. Cleveland có 5,5 triệu phiếu phổ thông so với 5,4 triệu phiếu của Harrison nhưng Harrison có 233 phiếu đại cử tri (thắng ở 20 bang) so với 169 phiếu của Cleveland (thắng ở 18 bang). Phần thắng cuối cùng thuộc về Harrison.
Vấn đề lá phiếu đại cử tri luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong nền chính trị Mỹ và không ít chính khách (trong đó có Hillary Clinton hồi làm thượng nghị sĩ) từng đề nghị hủy bỏ cơ chế phiếu đại cử tri bởi nó làm mất giá trị sự tồn tại lá phiếu phổ thông. Chính lá phiếu đại cử tri là nguyên nhân dẫn đến màn bát nháo trong mùa bầu cử 2000 giữa George W. Bush và Al Gore (Gore thắng Bush ở lá phiếu phổ thông - 49.222.339 so với 48.999.451 phiếu - nhưng Bush dường như giành đa số ủng hộ từ đại cử tri, đặc biệt tại bang Florida, nơi em trai Bush ngồi ghế thống đốc).
Trong lịch sử Mỹ, mùa 2000 không là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng sát nút giữa Gore và Bush ở tỉ lệ phiếu phổ thông. Năm 1880, ứng cử viên James A. Garfield đã giành chiến thắng trước Winfield S. Hancock ở tỉ lệ phiếu phổ thông sát sao 48,27% so với 48,25%. Năm 1960, John F. Kennedy cũng thắng trước Richard Nixon ở tỉ lệ 49,72% so với 49,55%... Một trong những câu hỏi phổ biến nhất là nếu lá phiếu phổ thông không có giá trị thì tổ chức chiến dịch tranh cử tiếp xúc cử tri làm gì và cử tri việc gì phải đi háo hức đi bầu? Vấn đề ở chỗ, trong hầu hết trường hợp, lá phiếu phổ thông có ảnh hưởng quyết định đến lá phiếu đại cử tri. Lá phiếu phổ thông vẫn thể hiện ý chí tuyệt đối của công chúng về sự chọn lựa của họ.
NẾU LÁ PHIẾU PHỔ THÔNG VÀ LÁ PHIẾU ĐẠI CỬ TRI VẪN KHÔNG CHỌN ĐƯỢC TỔNG THỐNG…
Trong trường hợp khó xử giữa sự không rõ ràng giữa tỉ lệ phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông, ghế tổng thống Mỹ vẫn chắc chắn có trước ngày 20-1. Nếu cả hai bên đều không nhận được đa số phiếu đại cử tri thì sự chọn lựa ghế tổng thống sẽ thuộc về Hạ viện (với mỗi bang bầu một phiếu) và ghế phó tổng thống phụ thuộc vào Thượng viện (theo cùng cách như Hạ viện) – như nói ở trên.
Ứng cử viên phải có ít nhất 26 phiếu bầu mới có thể thành tổng thống. Và khi Quốc hội vẫn không thể chọn được tổng thống và phó tổng thống vào trước ngày 20-1 (do Tu chính thứ 12 ra đời năm 1933 qui định đó là Ngày đăng quang), Đạo luật kế nhiệm tổng thống (Presidential Succession Act – PSA) lúc này sẽ được áp dụng. Người đầu tiên được chọn làm quyền tổng thống, theo PSA, là chủ tịch Hạ viện; kế đến là chủ tịch Thượng viện. Tuy nhiên, cả hai vị trên chỉ có thể trở thành tổng thống khi họ đồng ý từ chức trong Quốc hội. Nếu cả hai vị không chịu từ chức hoặc không đáp ứng các qui định pháp lý khác thì ghế tổng thống sẽ thuộc về thành viên Nội các, theo thứ tự: ưu tiên một là Bộ trưởng ngoại giao, kế đến là Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng tư pháp, Bộ trưởng nội vụ, Bộ trưởng nông nghiệp, Bộ trưởng thương mại, Bộ trưởng lao động, Bộ trưởng y tế, Bộ trưởng giao thông, Bộ trưởng năng lượng, Bộ trưởng giáo dục và Bộ trưởng cựu chiến binh.
……
Tài liệu:
- Electing the President (Barbara Silberdick Feinberg)
- The Buying of the President (Charles Lewis)
- The Road to the White House (Stephen J. Wayne)