Thứ Năm, 3 tháng 3, 2016

BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ

BẦU CHÍNH THỨC VÀ KHÔNG CHÍNH THỨC
Vào đêm bầu cử, khi kết quả phiếu phổ thông được công bố, ghế tổng thống dường như đã được chọn, ứng cử viên bắt đầu tổ chức ăn mừng. Với nhiều người Mỹ, cuộc bầu cử xem như kết thúc. Ứng cử viên đã được bỏ phiếu bầu, lá phiếu phổ thông đã được đếm và kết quả đã được công bố. Họ quên rằng kết quả này là KHÔNG CHÍNH THỨC. Bằng việc đi bỏ phiếu, họ tham gia phần đầu trong quá trình bầu cử hai phần. Bước kế tiếp là lá phiếu đại cử tri – hình thức mà đến tận nay không ít dân Mỹ còn chưa hiểu.
Dân Mỹ bỏ phiếu chọn tổng thống (vote for president) nhưng họ không thật sự bầu tổng thống (elect president). Năm 1787, những người soạn Hiến pháp cho rằng dân chúng không đủ khôn ngoan để đánh giá đức hạnh ứng cử viên tổng thống và họ cũng bác bỏ ý kiến cho rằng ghế tổng thống nên được Quốc hội quyết định. Vì vậy, họ thành lập cử tri đoàn, như một cách dàn xếp giữa hai chọn lựa trên (để dân chúng bầu trực tiếp hoặc để Quốc hội quyết định).
Chính các đại cử tri (elector) trong cử tri đoàn (Electoral College) mới thật sự là những người quyết định ghế tổng thống chứ không phải cử tri phổ thông (voter). Hiến pháp cho phép các bang chọn đại cử tri. Thoạt đầu, đại cử tri được chỉ định bởi các nhà làm luật tại bang và cuối cùng được chính thức chọn làm đại cử tri bởi sự ủng hộ của các nam công dân thuộc hàng có tên có tuổi của các bang khác. Dần dần, các đảng ở từng bang tự đứng ra chọn đại cử tri.
Tuy điều này dẫn đến tình trạng đại cử tri có thể thiên vị (từng bị báo chí phản đối nhiều) nhưng luật không cấm. Đầu tháng 12, đại cử tri sẽ tập trung lên thủ phủ bang mình để bỏ phiếu bầu tổng thống, sau khi cuộc bầu cử phổ thông được thực hiện vào tháng 11. Có 26 bang không yêu cầu đại cử tri phải bỏ phiếu cho tương ứng với lá phiếu phổ thông và có 19 bang (trong đó có khu vực Washington D.C.) buộc đại cử tri phải bỏ phiếu tương ứng với lá phiếu phổ thông. Tuy nhiên, không ai phạt vạ gì khi đại cử tri không tuân thủ điều trên. Chỉ 5 bang có luật phạt đại cử tri không tuân thủ luật này nhưng mức phạt không đáng kể (Oklahoma chẳng hạn, mức phạt là 1.000 USD). Trong các mùa bầu cử gần đây, tiến trình bầu của cử tri phổ thông và đại cử tri diễn ra gần như cùng lúc.
SỰ CHI PHỐI CỦA “ELECTORAL MAP”
Mỗi bang có số đại cử tri tương đương số thượng nghị sĩ và dân biểu của bang mình trong Quốc hội. Tổng cộng, số đại cử tri được phân phối hiện nay là 538, vì Quốc hội có 435 dân biểu và 100 thượng nghị sĩ (ba đại cử tri cộng thêm thuộc khu vực Washington D.C., được thêm vào theo Tu chính luật 23rd ra đời năm 1961). Sự phân phối kiểu này được gọi là “electoral map” (bản đồ đại cử tri) và được điều chỉnh theo từng thập niên.
Thập niên 1981-1990, Florida có 21 lá phiếu đại cử tri, thập niên 1991-2000 có 25; thập niên 2001-2010 có 27; và 29 từ năm 2012-2020 (dẫn từ trang web Ủy ban bầu cử liên bang Hoa Kỳ – www.fec.gov). Nói cách khác, việc thành lập cử tri đoàn mang ý nghĩa đem lại công bằng cho các bang nhỏ ít dân (nơi lá phiếu phổ thông ít) ngang với các bang lớn đông dân, vì bang nào cũng có đại cử tri. Tuy nhiên, bang có dân số đông cũng có nhiều phiếu đại cử tri hơn! Vì vậy, các bang lớn luôn có tính quyết định cho cuộc chạy đua giành ghế tổng thống. Năm 1888, ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland có 48,6% phiếu phổ thông trong khi đối thủ Cộng hòa Benjamin Harrison có 47,8% phiếu phổ thông nhưng cuối cùng Benjamin Harrison vẫn đắc cử vì ông có 233 phiếu đại cử tri so với 169 phiếu đại cử tri của Cleveland.
Theo Hiến pháp, trong trường hợp không ứng cử viên nào giành đa số phiếu đại cử tri, sự chọn lựa sẽ phụ thuộc vào Quốc hội. Hạ viện, với mỗi bang bỏ một phiếu, sẽ chọn tổng thống và Thượng viện chọn phó tổng thống theo cùng cách. Trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, có ba lần Quốc hội thực hiện chức trách trên. Năm 1800, Hạ viện chọn Thomas Jefferson trước đối thủ Aaron Burr sau khi họ tranh nhau sát nút trong tỉ lệ phiếu đại cử tri.
Năm 1824, không ai trong bốn ứng cử viên nhận được đa số phiếu đại cử tri, John Quincy Adams đã được chọn trước Andrew Jackson và William H. Crawford sau khi ứng cử viên Henry Clay quay sang ủng hộ John Q. Adams. Năm 1876, Rutherford B. Hayes thắng trước đối thủ Samuel J. Tilden sau tình huống bế tắc gây tranh cãi (Hayes thua ở tỉ lệ phiếu phổ thông nhưng hơn Tilden ở tỉ lệ phiếu cử tri). Năm 1888, một lần nữa, ghế tổng thống Mỹ lại dành cho một ứng cử viên thua ở lá phiếu phổ thông nhưng hơn ở lá phiếu đại cử tri. Đó là trường hợp ứng cử viên Cộng hòa Benjamin Harrison trước ứng cử viên Dân chủ Grover Cleveland. Cleveland có 5,5 triệu phiếu phổ thông so với 5,4 triệu phiếu của Harrison nhưng Harrison có 233 phiếu đại cử tri (thắng ở 20 bang) so với 169 phiếu của Cleveland (thắng ở 18 bang). Phần thắng cuối cùng thuộc về Harrison.
Vấn đề lá phiếu đại cử tri luôn là đề tài gây nhiều tranh cãi trong nền chính trị Mỹ và không ít chính khách (trong đó có Hillary Clinton hồi làm thượng nghị sĩ) từng đề nghị hủy bỏ cơ chế phiếu đại cử tri bởi nó làm mất giá trị sự tồn tại lá phiếu phổ thông. Chính lá phiếu đại cử tri là nguyên nhân dẫn đến màn bát nháo trong mùa bầu cử 2000 giữa George W. Bush và Al Gore (Gore thắng Bush ở lá phiếu phổ thông - 49.222.339 so với 48.999.451 phiếu - nhưng Bush dường như giành đa số ủng hộ từ đại cử tri, đặc biệt tại bang Florida, nơi em trai Bush ngồi ghế thống đốc).
Trong lịch sử Mỹ, mùa 2000 không là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng sát nút giữa Gore và Bush ở tỉ lệ phiếu phổ thông. Năm 1880, ứng cử viên James A. Garfield đã giành chiến thắng trước Winfield S. Hancock ở tỉ lệ phiếu phổ thông sát sao 48,27% so với 48,25%. Năm 1960, John F. Kennedy cũng thắng trước Richard Nixon ở tỉ lệ 49,72% so với 49,55%... Một trong những câu hỏi phổ biến nhất là nếu lá phiếu phổ thông không có giá trị thì tổ chức chiến dịch tranh cử tiếp xúc cử tri làm gì và cử tri việc gì phải đi háo hức đi bầu? Vấn đề ở chỗ, trong hầu hết trường hợp, lá phiếu phổ thông có ảnh hưởng quyết định đến lá phiếu đại cử tri. Lá phiếu phổ thông vẫn thể hiện ý chí tuyệt đối của công chúng về sự chọn lựa của họ.
NẾU LÁ PHIẾU PHỔ THÔNG VÀ LÁ PHIẾU ĐẠI CỬ TRI VẪN KHÔNG CHỌN ĐƯỢC TỔNG THỐNG…
Trong trường hợp khó xử giữa sự không rõ ràng giữa tỉ lệ phiếu đại cử tri và phiếu phổ thông, ghế tổng thống Mỹ vẫn chắc chắn có trước ngày 20-1. Nếu cả hai bên đều không nhận được đa số phiếu đại cử tri thì sự chọn lựa ghế tổng thống sẽ thuộc về Hạ viện (với mỗi bang bầu một phiếu) và ghế phó tổng thống phụ thuộc vào Thượng viện (theo cùng cách như Hạ viện) – như nói ở trên.
Ứng cử viên phải có ít nhất 26 phiếu bầu mới có thể thành tổng thống. Và khi Quốc hội vẫn không thể chọn được tổng thống và phó tổng thống vào trước ngày 20-1 (do Tu chính thứ 12 ra đời năm 1933 qui định đó là Ngày đăng quang), Đạo luật kế nhiệm tổng thống (Presidential Succession Act – PSA) lúc này sẽ được áp dụng. Người đầu tiên được chọn làm quyền tổng thống, theo PSA, là chủ tịch Hạ viện; kế đến là chủ tịch Thượng viện. Tuy nhiên, cả hai vị trên chỉ có thể trở thành tổng thống khi họ đồng ý từ chức trong Quốc hội. Nếu cả hai vị không chịu từ chức hoặc không đáp ứng các qui định pháp lý khác thì ghế tổng thống sẽ thuộc về thành viên Nội các, theo thứ tự: ưu tiên một là Bộ trưởng ngoại giao, kế đến là Bộ trưởng tài chính, Bộ trưởng quốc phòng, Bộ trưởng tư pháp, Bộ trưởng nội vụ, Bộ trưởng nông nghiệp, Bộ trưởng thương mại, Bộ trưởng lao động, Bộ trưởng y tế, Bộ trưởng giao thông, Bộ trưởng năng lượng, Bộ trưởng giáo dục và Bộ trưởng cựu chiến binh.
……
Tài liệu:
- Electing the President (Barbara Silberdick Feinberg)
- The Buying of the President (Charles Lewis)
- The Road to the White House (Stephen J. Wayne)

Không có nhận xét nào: