Trẻ trung nhưng trong thế giới tài chính Kenneth Griffin đã là huyền thoại. Vào năm 1986, ở tuổi 18, đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Harvard, Griffin đã tham gia thị trường chứng khoán. Sau đó 17 năm – năm 2003, lần đầu tiên Griffin xuất hiện trong danh sách những người giàu của Mỹ của tạp chí Forbes với khối tài sản 650 triệu USD. Đến năm 2006, tài sản của Griffin được đánh giá là 1,7 tỉ USD, còn năm 2008 là 3 tỉ USD.
1 triệu USD đầu tiên
Kenneth Griffin sinh ngày 15.10.1968 tại Florida, Mỹ. Ngay từ nhỏ Griffin đã mê say máy vi tính và toán học. Người mẹ của nhà tỉ phú tương lai nhớ lại, khi Ken (tên thân mật của Kenneth) còn nhỏ, cậu hay đòi mẹ dẫn đến cửa hàng Computerland. Tại đây Ken “tra tấn” những người bán hàng bằng nhiều câu hỏi về chiếc máy vi tính. Khi học phổ thông trung học Ken luôn mày mò với chiếc máy vi tính IBM và nếu tìm ra những khiếm khuyết của nó thì đối với cậu bé đây là thắng lợi. Một người bạn học nhớ lại: “Ken thường thích tiếp xúc với những người lớn tuổi hơn mình và luôn biết mình cần gì trong cuộc sống. Cậu ta luôn phát kiến ra những ý tưởng mới”. Một trong những ý tưởng được hiện thực hóa là việc Ken thành lập hãng Diskovery Educational Systems, chuyên bán phần mềm trong lĩnh vực giáo dục. Khi đó Ken mới 17 tuổi và đến nay hãng này vẫn hoạt động tốt.
Hoạt động đầu cơ được Griffin thực hiện giữa những kỳ nghỉ từ khi còn học ở Harvard (Griffin chỉ học 3 năm là xong chương trình đại học). Khởi đầu, Griffin hỏi vay của mẹ, bà ngoại và “hai nhà đầu tư” quen biết tổng cộng 265 ngàn USD rồi thành lập hai quỹ đầu cơ. Ngồi trong gian phòng tại ký túc xá Cabot House để điều hành các quỹ, chàng sinh viên còn mắc cả chảo vệ tinh bên cửa sổ phòng mình để thu thập những tin tức mới nhất về TTCK. Sau đó một tháng, thị trường bị chao đảo vì khủng hoảng (1987), cũng là lúc Griffin kiếm được những khoản tiền lớn. Đến khi tốt nghiệp, Griffin đã có 1 triệu USD đầu tiên trong tay.
Cùng với tấm bằng kinh tế, Griffin còn được tặng món quà khác: Công việc của nhà kinh tế trẻ tuổi thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư (NĐT) danh tiếng người Chicago là Frank Meyer – lãnh đạo Quỹ Glenwood Capital. Meyer đưa cho Griffin 1 triệu USD và đề nghị thử xem có lặp lại thành tích kinh doanh khi còn là sinh viên bằng cách nhân số vốn này lên gấp đôi. Griffin đã thực hiện nhanh chóng khi có phần mềm vi tính dành cho kinh doanh tại TTCK.
Người xây dựng thành trì
Sau những thành công sáng chói của Griffin được nhiều người biết đến, hàng chục NĐT đã đưa tiền cho Griffin với hy vọng con người tài ba này sẽ làm cho số vốn của họ sinh lời. Kết quả là vào ngày 1.11.1990, Griffin thành lập Quỹ Citadel với số vốn 4,2 triệu USD. Cái tên Citadel (Thành lũy) mà Griffin chọn không phải là sự ngẫu nhiên mà đó là sự khẳng định sức mạnh của hãng trong giai đoạn khủng hoảng.
Trong 2 năm đầu tiên quỹ hoàn toàn đáp ứng với kỳ vọng của các NĐT. Năm 1991 lợi nhuận đạt 43%, năm 1992 – 40,7% và năm 1993 – 23,5%. Tuy nhiên đến năm 1994 do thị trường tín phiếu khủng hoảng nên Citadel thua thiệt 4,3%. Các NĐT lo lắng bắt đầu lấy lại tiền và đây là giai đoạn khó khăn nhất của Griffin. “Ken khi đó nói với tôi là không thể để tình trạng tương tự lặp lại” – Meyer nhớ lại.
Thất bại chỉ hun đúc thêm ý chí của Griffin. Một trong những cộng sự của nhà tỉ phú kể lại: Griffin khi đó thường ngồi lì trong phòng, đọc cuốn Nhà nước của Niccolo Machiavelli (1469 - 1527) và đọc nhiều sách quản trị kinh doanh để tránh những sai sót cho Quỹ Citadel. Đặc biệt, ông rất thích đọc các tác phẩm của bậc thầy về lý thuyết kinh doanh Jim Collins. Bất kỳ sự mạo hiểm nào, Griffin đều thuê các nhà tư vấn để họ cho ý kiến. Ông xây dựng cơ cấu cho Citadel với nguyên tắc “không thể không thay thế”. Tại Citadel có rất nhiều chuyên gia làm việc với cùng một chức năng, vì thế nếu ai đó ra đi thì cũng không ảnh hưởng đến công cuộc kinh doanh. Citadel đã trở thành một thành lũy khó có thể đánh bại khi cách đây vài năm sở hữu tòa nhà 37 tầng tại Chicago.
Một phiên giao dịch tại TTCK - Ảnh: Reuters
|
Trong điều hành Citadel, Griffin ứng dụng toán học và công nghệ thông tin cực kỳ hiệu quả. Quỹ Kensington Global thuộc Tập đoàn Citadel trong vòng 9 năm trở lại đây trung bình mang lại lợi nhuận cho các NĐT 22%/năm. Ngoài Kensington Global, Citadel còn một quỹ lớn khác là Wellington hoạt động cũng rất hiệu quả. Hiện các chuyên gia ước tính, Citadel chiếm 2 – 3% tổng lượng giao dịch của TTCK ở New York, London và Tokyo, 10% thị trường trái phiếu chính phủ…
Sống theo cách của mình
Thông minh, giàu có, nhưng Griffin lại bị đồng nghiệp đánh giá là không có tình cảm và là người độc tôn. Ông sẵn sàng trả cho những người quản lý tài ba của mình mức lương 5 triệu USD/năm, nhưng nhất định không chịu chia sẻ quyền lực bằng cách nhượng quyền cổ phiếu của quỹ. Thậm chí, khi hết hạn hợp đồng thì Griffin chia tay với họ không hề thương tiếc. Người ta nói rằng, trong phòng của mình Griffin dành một chỗ cho trợ lý là Jodi Deichmiller, nhưng cô này lại giao tiếp với ông bằng
e-mail để không làm ảnh hưởng đến sự tập trung của sếp. Tựu trung những người độc miệng nói Griffin là người ích kỷ, lạnh lùng, luôn khép kín và không có trái tim.
Công bằng mà nói thì Griffin không hẳn là người như vậy. Mới đây nhất ông trở thành thành viên Ban tổ chức Olympic 2016 tại Chicago. Người ta đồn rằng chẳng qua là ông muốn nhân sự kiện này để đánh bóng hình ảnh của Citadel. Song nguyên nhân sâu xa lại đơn giản hơn người ta tưởng: Vào năm 2004, Griffin làm lễ thành hôn với Anne Dias – người sáng lập Quỹ đầu tư Aragon Global Management với số vốn 100 triệu USD (đây là một trong những quỹ tư nhân lớn nhất Mỹ do phụ nữ điều hành). Tại lễ đám cưới, Griffin đã khóc vì quá hạnh phúc. Điều này không phù hợp với tính cách của ông, làm nhiều người tham dự không thể nào tin nổi vào mắt mình. Những người thân của Griffin nói rằng, chính Anne Dias đã buộc ông phải thường xuyên xuất hiện nơi công chúng hơn và xử sự có nhân tính hơn.
Griffin là người khá chịu chơi. Đám cưới của ông với Anne Dias được tổ chức tại Lâu đài Versailles ở Pháp. Để làm vui lòng quan khách, ông mời đoàn xiếc danh tiếng Cirque du Soleil và nữ ca sĩ nhạc pop danh tiếng Donna Summer đến biểu diễn. Griffin rất yêu thích các xe hơi thể thao đắt giá. Ông mua biệt thự ở North Michigan Avenue, Chicago vào năm 2000 với giá 6,9 triệu USD. Bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật của Griffin khó mà định giá. Ông hào phóng bỏ ra 60,5 triệu USD để mua bức tranh tĩnh vật của họa sĩ Pháp Paul Cézanne, hay 80 triệu USD để mua tác phẩm của họa sĩ Mỹ Jasper Johns. Số tiền mà Griffin bỏ ra mua tranh của Paul Cézanne đạt kỷ lục từ trước đến nay đối với danh họa này. Bên cạnh những thú vui xa hoa, Griffin cũng thích các trò chơi đơn giản. Đặc biệt ông rất thích chơi bóng đá. Tuy nhiên trong vòng 7 năm gần đây, chiếc đầu gối của nhà tỉ phú này đã phải giải phẫu đến 5 lần vì chấn thương, buộc Griffin phải giã từ bóng đá.
Không chỉ hào phóng với cá nhân mình, Kenneth Griffin còn tích cực giúp đỡ cộng đồng. Ông là thành viên của vài tổ chức từ thiện và là Giám đốc Quỹ giáo dục cộng đồng Chicago. Vào năm 2006, Quỹ Griffin đã xây dựng trường trung học ở Chicago, tài trợ cho bệnh viện nhi, Dàn nhạc giao hưởng Chicago cùng nhiều hoạt động khác...
Trẻ trung và thành đạt, rộng lượng và độc đoán, khắt khe và hào phóng, lạnh lùng và nồng ấm… dường như Griffin là người chứa đựng những tính cách mâu thuẫn. Ông sống giữa sự thán phục thầm lặng và sự công kích ầm ĩ của nhiều người. Phải chăng chuẩn mực của cuộc sống là “chiếc áo quá khổ” với nhà tỉ phú tài ba? Suy cho cùng ông sống theo cách của mình và chỉ làm điều tốt cho xã hội. Đó mới là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của một con người.
Hoàng Hoài Sơn