Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Xem xét phương án bổ sung gói kích thích kinh tế

(TBKTSG Online) - Các nhà hoạch định chính sách ở các bộ ngành trung ương đang tính toán phương án bổ sung một gói tài chính trị giá gần 100.000 tỉ đồng nhằm khởi động lại các dự án đầu tư công dang dở, bổ sung vốn đối ứng cho các nguồn ODA, và hỗ trợ cho nền kinh tế thoát khỏi tình trạng ảm đạm.
Các nguồn tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Ngân hàng Nhà nước, nguồn của gói tài chính này đang được cân nhắc từ việc phát hành trái phiếu chính phủ bổ sung.
Tuy nhiên, phương án này đang được xem xét rất thận trọng vì lo ngại sẽ tác động đến lạm phát, mà thành tựu của nó đã được thấy rõ trong nửa đầu năm nay, nguồn tin cho biết thêm. Hơn nữa, chủ trương này còn phải trình với Quốc hội thông qua.
Như vậy, kế hoạch này là gần như trùng với phần trình bày của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tại phiên họp Chính phủ mở rộng tháng 6 vừa qua. Ông cho biết, đến tháng 10 tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề án phát hành trái phiếu chính phủ bổ sung.
Ông tiết lộ thêm, Thủ tướng đã đồng ý cho phép các địa phương được ứng trước 5.100 tỉ đồng từ gói tài chính trên để giúp thúc đẩy tiến độ thi công hai quốc lộ 1 và 14, mà nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ ý phàn nàn về sự chậm trễ lên tới 5 năm.
Bên cạnh đó, đề án này cũng trùng với kiến nghị của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia gần đây rằng, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công, thông qua phát hành trái phiếu chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn nhằm khơi thông dòng vốn trong xây dựng cơ bản, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng.
Ủy ban kiến nghị, Chính phủ cho tạm ứng hạn mức trái phiếu chính phủ 2014 để kịp đáp ứng nhu cầu giải ngân vốn đầu tư ngay trong năm 2013.
Như vậy, phương án về gói tài chính này được các bộ ngành bắt đầu cân nhắc sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm tại kỳ họp vừa qua là trọng tâm của chính sách hiện nay nên ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng.
Tuy nhiên, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành cho biết, nhóm tư vấn chính sách của Thủ tướng mà ông là thành viên giữ quan điểm là phải hết sức thận trọng với gói này. “Thành tựu kinh tế vĩ mô tạo được đến nay là giá trị cần phải giữ. Hơn nữa, Chính phủ cần đảm bảo tính nhất quán của chính sách là ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
Vì thế, ông cảnh báo, gói 100.000 tỉ đồng, nếu có, sẽ đi ngược lại tinh thần trên. Hơn nữa, bài học về hậu quả của gói kích thích được công bố là lên đến 8 tỉ đô la Mỹ năm 2009 đến nền kinh tế cần được rút ra.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết thêm, nhóm tư vấn cũng báo cáo với Chính phủ là cũng cần thêm một gói tài chính “vừa phải” từ các nguồn như chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn 4,8% GDP, phát hành thêm trái phiếu Chính phủ, và bán nhanh bớt cổ phần từ các doanh nghiệp nhà nước đang làm ăn hiệu quả.
Hiện nay, Chính phủ đã triển khai một số biện pháp để hỗ trợ thị trường như miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, và triển khai gói tài chính trị giá 30.000 tỉ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản.
Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ đạt 29,6% GDP trong nửa đầu năm nay, là mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Hơn nữa, gói tín dụng dù có tăng trưởng nhưng vốn chỉ loanh quanh trong hệ thống ngân hàng, làm nền kinh tế vẫn trong tình trạng rất khó khăn.

Không có nhận xét nào: