Trong thế giới đầu cơ có một nhà đầu cơ trứ danh bị rất nhiều người thù
ghét và ganh tỵ nhưng số người ngưỡng mộ và bắt chước ông còn đông hơn.
Con người này nổi tiếng không chỉ bởi thành công đến mức được coi như
một thần tượng mà còn bởi tính tàn bạo trong đầu cơ đến mức bị gắn cho
biệt danh là “Bạo chúa”. Nhà đầu cơ trứ danh này là Ivan Boesky.
Trong thế giới đầu cơ có một nhà đầu cơ trứ danh bị rất nhiều người thù
ghét và ganh tỵ nhưng số người ngưỡng mộ và bắt chước ông còn đông hơn.
Con người này nổi tiếng không chỉ bởi thành công đến mức được coi như
một thần tượng mà còn bởi tính tàn bạo trong đầu cơ đến mức bị gắn cho
biệt danh là “Bạo chúa”. Nhà đầu cơ trứ danh này là Ivan Boesky.
Ivan Boesky từ nhà đầu cơ trứ danh trong giây phút đã trở thành kẻ tội đồ
Ivan Boesky lừng danh đến mức Hollywood phải tìm đến để tái hiện và khai
thác cho nghệ thuật thứ Bảy. Ông giàu sang nhờ đầu cơ nhưng rồi lâm
vào vòng lao lý cũng bởi đầu cơ. Ivan Boesky tận hưởng và phô trương
hết mức có thể được thành quả đầu cơ của mình, và cũng không ngần ngại
suy tôn tính tham lam của con người thành động lực đầu cơ và lý tưởng
sống cho chính mình.
Tham là tốt và lành mạnh
“Ivan Bạo chúa” vốn là biệt danh dành cho vị Nga hoàng đăng quang đầu
tiên của nước Nga (1530 - 1584). Ivan Boesky được gắn cho biệt danh ấy
bởi tính tàn bạo, bất chấp thủ đoạn để đạt được mục đích bằng mọi giá
trong hoạt động đầu cơ. Những tính cách ấy của Boesky có gốc rễ ở quan
niệm rất khác thường của ông về tính tham lam của con người. Boesky cho
rằng tham lam hoàn toàn không phải là xấu, tham lam chi phối hành động
của con người, vì thế điều quan trọng nhất là kết quả cuối cùng chứ
không phải đạt kết quả ấy bằng cách nào.
Chuyện còn kể lại rằng - và được tái hiện trung thực trong bộ phim “Wall
Street” rất ăn khách của Hollywood: năm 1985, Boesky được mời đến dự
và phát biểu tại lễ trao bằng tốt nghiệp đại học cho sinh viên ngành
quản trị kinh doanh. Bài phát biểu của ông được các nhà quản trị kinh
doanh tương lai hoan nghênh nhiệt liệt, đặc biệt câu nói đã trở nên bất
hủ trong thế giới đầu cơ của Boesky: “Tham lam là tốt. Thậm chí tôi
còn cho rằng tham lam là lành mạnh. Các bạn có thể thèm khát có tiền
mà không sợ bị cắn rứt lương tâm”. Cũng chính vì thế mà mọi suy
tính và hành động của Boesky chỉ luôn xoay quanh chuyện mua và bán: có
thể mua được cái gì và bán được cái gì để có lợi. Chính Boesky thường
kể lại câu chuyện về một lần cả hai
vợ chồng ông đi dạo chơi đêm trăng trên đại lộ Champs Elysees giữa thủ
đô Paris của nước Pháp. Trong khi người vợ trầm trồ về vẻ đẹp của mặt
trăng thì Boesky phán tỉnh khô: “Có mặt trăng để làm gì nếu không thể mua hoặc bán được nó”.
Mỗi khi kể về cuộc đời và sự nghiệp đầu cơ của mình, Boesky thường đặc
biệt nhấn mạnh điểm xuất phát ban đầu là số không, từ gia cảnh nghèo nàn
của một gia đình di cư từ Nga sang Mỹ mà chỉ trong vòng có 10 năm đã
trở thành một huyền thoại sống ở Phố Wall. Đúng là Boesky có năng khiếu
và đam mê đầu cơ bẩm sinh. Đúng là Boesky có đủ tố chất của một nhà đầu
cơ chuyên nghiệp là mạo hiểm đến liều lĩnh và mẫn cảm với biến động
của thị trường đến mức có thể đoán biết được thị trường ngày mai sẽ
biến động thế nào. Nhưng Boesky đâu phải diện nhà đầu cơ “không bột mà
gột nên hồ”. Boesky luôn giấu diếm thời kỳ “tay không bắt giặc” trong
tiểu sử hay tự sự của mình. Trước khi xâm nhập vào thị trường chứng
khoán, Boesky đã cưới ái nữ của một trùm xây dựng ở Mỹ mặc dù ông bố vợ
không chấp nhận cuộc hôn nhân của con gái vì cho rằng nhà trai không
môn đăng hậu đối. Boesky không chỉ cưới được vợ mà còn được vay 700.000
USD của bà mẹ vợ để đầu cơ. Thử hỏi trong số cư dân của thế giới đầu
cơ đã có mấy người tự dưng có được số vốn liếng ban đầu như vậy.
Thời kỳ đầu, Boesky chỉ làm ăn cò con, cụ thể là đầu cơ vào chênh lệch
giá cổ phiếu giữa các thị trường chứng khoán khác nhau trên thế giới.
Công việc ấy giúp Boesky không thiếu tiền tiêu, nhưng chưa trở thành
giàu và lại càng chưa được nổi tiếng. Cứ như vậy cho tới cuối thập kỷ 70
của thế kỷ trước. Vào thời điểm đó trong giới kinh doanh bùng lên làn
sóng các tập đoàn và công ty lớn nhỏ thâu tóm lẫn nhau. Trong bối cảnh
cá lớn săn lùng và tìm cách nuốt chửng cá bé, bè đảng liên kết để triệt
hạ đối thủ giành địa vị thống trị trên thị trường, Boesky nhận ra cơ
hội đầu cơ có một không hai.
Khi một hãng đứng bên bờ phá sản phải tìm cách bán thân cho hãng khác
để tránh bị xóa sổ hoặc khi một hãng trở thành mục tiêu tấn công của
các hãng khác thì giá cổ phiếu của nó giảm mạnh, nhưng sẽ lại tăng lên
rất nhanh khi được cứu thoát hoặc khi những phương án thâu tóm được
tiết lộ. Khoảng thời gian giữa hai
thời điểm đó là cơ hội cho các nhà đầu cơ và sự chênh lệch giá cổ
phiếu đó là cơ hội kiếm tiền của các nhà đầu cơ. Chỉ 10 năm trong
khoảng thời gian ấy đủ để Boesky đi vào lịch sử thế giới đầu cơ với số
tiền kiếm về được là hơn 200 triệu USD.
Bí quyết đầu cơ của Boesky rất khác so với nhiều nhà đầu cơ trứ danh
khác. Boesky không hành động theo bất cứ phân tích hay tính toán khoa
học nào, cũng chẳng theo số liệu thống kê hay bắt chước ai đó khác.
Boesky hành động hoàn toàn theo bản năng và cảm tính, theo kinh nghiệm
và bị thôi thúc bởi tính tham lam mà Boesky đã “văn hóa” nó thành triết
lý cuộc đời. Không biết có phải nhờ thế hay chỉ bởi may mà Boesky đầu
cơ lần nào cũng thắng, trù tính chuyện gì cũng thành công. Trong những
tháng năm ấy, Boesky được coi như sát thủ của các hãng yếu thế. Boesky
thâu tóm công ty rồi lại bán chúng đi, bất kể việc đó ảnh hưởng xấu như
thế nào tới đời sống của người lao động. Số phận của những con người
liên quan không có ý nghĩa gì đối với các quyết định của Boesky. Và biệt
danh “Ivan Bạo chúa” có nguồn gốc từ đó.
Tham thì thâm
Nếu tham lam giúp cho Boesky giàu có thì trên thế gian này lại còn có
câu “tham thì thâm”. Cũng chính động lực đó đã đưa Boesky đến với Dennis
Levine, một cư dân của thế giới đầu cơ mà có thể coi như là tri kỷ của
Boesky với cùng chí hướng và nhân sinh quan, với cùng tham vọng và
quyết tâm thực hiện tham vọng. Sự tương đồng đó đã dẫn dắt hai
con người này đến với một kiểu liên minh ma quỷ, lúc đầu đem lại tiền
của cho họ và cuối cùng đẩy họ vào nhà giam. Trong khi Boesky dựa vào
khả năng dự báo của chính mình thì Levine dựa vào thông tin nội gián -
vốn bị coi là bất hợp pháp trên thị trường chứng khoán. Levine xây dựng
cả một mạng lưới nguồn tin đủ để ông ta có thể đi trước đối thủ cạnh
tranh một bước. Sự thành đạt của Levine bị đồng nghiệp bắt chước và bị
chính quyền theo dõi. Hợp tác với Boesky, Levine có được vỏ bọc hợp pháp
và an toàn vì đầu cơ chứng khoán là chuyên môn của Boesky. Đồng thời,
những thông tin nội gián lại giúp Boesky có được những phi vụ đầu cơ
béo bẫm. Trong vòng có 14 tháng, Levine kiếm về được 12 triệu USD, còn
Boesky được tận 50 triệu USD. Chính quyền theo dõi, nghi ngờ nhưng
không có được bằng chứng gì bất lợi đối với cả hai người.
Vụ việc đổ bể khi có thư nặc danh từ thủ đô Caracas của Venezuela - nơi
Levine có tài khoản bí mật - gửi cho hãng Merrill Lynch tố cáo ông này.
Công ty này cho điều tra và phát hiện ra tài khoản bí mật của Levine, rồi chuyển thông tin tới Cơ quan kiểm soát chứng khoán Mỹ (SEC).
Thế rồi chuyện lần ra mê cung của Levine và mối liên hệ làm ăn giữa
Levine với Boesky trên cơ sở thông tin nội gián đã bị phát giác. Đó là
vào giữa năm 1985.
Thị trường chứng khoán Mỹ lâm vào vụ bê bối lớn nhất từ trước tới đó. Levine và Boesky bị bắt. Cả hai
chấp nhận khai báo để đổi lại hình phạt nhẹ. Levine bị kết án 2 năm tù
và bị phạt 362.000 USD, Boesky phải bóc lịch 3 năm trong nhà giam và
bị phạt 100 triệu USD. Trước đó, SEC
đã để cho Boesky bán đi tất cả số cổ phiếu của mình trị giá tới 400
triệu USD, trước khi vụ việc được công khai - đủ để Boesky thắng lớn
trong phi vụ đầu cơ lớn cuối cùng. Có người nói đi đêm lắm ắt phải có
ngày gặp ma, có người mỉa mai rằng đã tham thì sẽ thâm. Nhưng dù nói thế
nào thì vụ bê bối càng làm Boesky thêm nổi tiếng. Mà cái “tiếng” này
vẫn khẳng định Boesky chiếm giữ địa vị chỉ rất ít kẻ khác bì kịp trong
thế giới đầu cơ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét