Thứ Ba, 26 tháng 5, 2015

Joseph E. Stiglitz – Chúng Ta Không Để Cho Doanh Nghiệp Quốc Tế Lạm Dụng TPP Trục Lợi

Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm chuyển ngữ
Hoa Kỳ và thế giới đang tham gia vào một cuộc tranh luận lớn về các thỏa ước thương mại mới. Các hiệp ước như vậy thường được gọi là "các hiệp định về tự do mậu dịch". Trong thực tế, đây là các hiệp định mậu dịch được quản lý sao cho phù hợp với các lợi ích của doanh nghiệp, mà phần lớn là ở Hoa Kỳ và Liên Âu. Hiện nay, các thương thảo như vậy thường được đề cập như là "quan hệ đối tác", như trong các Quan Hệ Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng các hiệp định này không phải là các đối tác bình đẳng: Hoa Kỳ đặt ra điều kiện cho đối tác một cách hiệu quả. May mắn thay, "các đối tác" với Hoa Kỳ đang ngày càng trở nên đề kháng hơn.
Để hiểu lý do tại sao là chuyện không khó. Các thỏa thuận này vượt qua các vấn đề mậu dịch, quản lý đầu tư cũng như quyền sở hữu trí tuệ, áp đặt những thay đổi cơ bản về các khuôn khổ pháp lý, tư pháp và điều tiết trong nhiều nước, mà không gây ảnh hưởng nội tại hoặc tạo trách nhiệm giải trình thông qua các định chế dân chủ.
Có lẽ phần gây khó xử nhất - và không trung thực nhất - của thỏa thuận như vậy liên quan đến việc bảo vệ nhà đầu tư. Tất nhiên, các nhà đầu tư phải được bảo vệ chống lại các rủi ro mà các chính phủ lừa đảo sẽ tịch thu tài sản của họ. Nhưng đó không phải là những gì mà những quy định này đề cập tới.
Trong những thập niên gần đây, đã có rất ít các biện pháp truất quyền sở hữu, và các nhà đầu tư muốn tự bảo vệ có thể mua bảo hiểm của cơ quan Multilateral Investment Guarantee, một chi nhánh của Ngân hàng Thế giới (Hoa Kỳ và các chính phủ khác cung cấp loại bảo hiểm tương tự). Tuy nhiên, Hoa Kỳ đang yêu cầu có các quy định như vậy trong TPP, mặc dù một số "đối tác" có được cơ chế bảo vệ tài sản và hệ thống tư pháp, mà nó cũng tốt như của riêng mình.
Mục đích thực sự của các quy định này là để cản trở các luật lệ liên quan đến y tế, môi trường, an toàn, và, vâng, thậm chí còn đến các quy định tài chính nhằm bảo vệ nền kinh tế và các công dân của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp có thể kiện các chính phủ để đòi bồi thường toàn bộ khi mức doanh thu dự kiến trong tương lai bị giảm do những thay đổi điều tiết.
Đây không chỉ là một khả năng lý thuyết. Philip Morris đang kiện Uruguay và Úc khi có yêu sách về các nhản hiệu cảnh báo in trên các bao thuốc lá. Phải thừa nhận một điều là cả hai nước này đã đi xa hơn Mỹ một chút, khi bắt phải đưa các hình ảnh minh hoạ cho thấy hậu quả của việc hút thuốc lá. Việc dán nhản cảnh báo là hữu hiệu. Nó làm giảm việc hút thuốc. Vì vậy, Philip Morris đang đòi được bồi thường cho doanh thu bị mất.
Trong tương lai, nếu chúng ta phát hiện có một số sản phẩm khác gây hại sức khỏe (thí dụ hoá chất amiăng, gây bịnh phổi), thay vì phải lo đối phó với các vụ kiện tạo ra các án phí áp đặt cho chúng ta, các nhà sản xuất có thể khởi kiện các chính phủ với lý do kiềm chế họ trong việc giết người nhiều hơn. Tình trạng tương tự cũng có thể xảy ra nếu chính phủ của chúng ta áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn để bảo vệ chúng ta thoát khỏi các hiệu ứng do khí thải của nhà kính.
Khi tôi chủ trì Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Tổng thống Bill Clinton, các nhà hoạt động chống đối trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã cố tìm cách ban hành một quy định tương tự như truất hữu, còn gọi là "biện pháp can thiệp”. Họ biết rằng một khi luật được ban hành, các quy định điều tiết sẽ được đình chỉ áp dụng, đơn giản chỉ vì chính phủ không đủ khả năng để trả tiền bồi thường. May mắn thay, chúng tôi đã thành công trong việc đánh bại sáng kiến này, cả tại các tòa án và Quốc hội Hoa Kỳ.
Nhưng bây giờ các nhóm áp lực tương tự đang cố gắng lẫn tránh các thủ tục dân chủ bằng cách đưa các quy định đó vào trong dự luật mậu dịch, mà nội dung của nó không cho công chúng biết (nhưng không giử bí mật đối với các doanh nghiệp đang theo đuổi lợi ích của họ). Nhờ các tin tức rò rỉ, và cuộc nói chuyện với các quan chức của chính phủ mà họ là những người dường như thiết tha hơn với các thủ tục dân chủ, nên chúng ta biết những gì đang xảy ra.
Nền tảng của hệ thống chính phủ Hoa Kỳ là một hệ thống tư pháp công khai không thiên vị, với các tiêu chuẩn pháp lý được xây dựng qua nhiều thập niên, dựa trên nguyên tắc minh bạch, theo tiền lệ, và tạo cơ hội để khiếu nại các quyết định bất lợi. Tất cả điều này đang được dẹp sang một bên, khi các hiệp định mới yêu cầu cho có được một cơ chế trọng tài tư nhân, không minh bạch, và rất tốn kém. Hơn nữa, sự sắp xếp này thường đầy rẫy những xung đột lợi ích. Ví dụ như các trọng tài viên có thể là một "quan tòa" trong một vụ kiện này và là một người biện hộ trong một vụ kiện khác có liên quan.
Các thủ tục tố tụng quá tốn kém đến độ Uruguay phải nhờ đến Michael Bloomberg và các người Mỹ hằng sản khác có quan tâm đến vấn đề sức khỏe để tự bảo vệ chống lại Philip Morris. Và, mặc dù các doanh nghiệp có thể kiện, những doanh nghiệp có thể không. Nếu có sự vi phạm các kết ước khác - thí dụ như dựa trên các tiêu chuẩn về lao động và môi trường, - thì các công dân, các công đoàn và các nhóm xã hội dân sự không có cách thượng cầu để cứu xét.
Nếu có một cơ chế giải quyết tranh chấp đơn phương mà lại vi phạm các nguyên tắc cơ bản, đó là vấn đề ở đây. Đó là lý do tại sao mà tôi đã tham gia cùng với các chuyên gia pháp lý thượng thặng của Hoa Kỳ, bao gồm cả những vị thuộc các Đại học Harvard, Yale, và Berkeley, khi họ viết một bức thư cho Tổng thống Barack Obama giải thích những thỏa thuận này gây tổn hại như thế nào đến hệ thống pháp luật của chúng ta.
Các người Mỹ ủng hộ các thỏa ước như thế chỉ ra rằng cho đến nay Mỹ đã chỉ bị kiện một vài lần, và trong một vài vụ Mỹ đã không thua kiện.Tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ học tập làm thế nào để sử dụng các hiệp định này để sao cho đem lợi cho họ.
Và các luật sư cao giá của doanh nghiệp tại Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản sẽ có khả năng vượt qua các luật sư có mức lương thấp của chính phủ, khi họ cố gắng để bảo vệ lợi ích công cộng. Tệ hại hơn nữa là tình trạng mà các doanh nghiệp ở các nước tiên tiến có thể xây dựng các chi nhánh ở các nước thành viên, thông qua đó để họ đầu tư trở lại nguyên xứ, và sau đó khởi kiện, tạo cho họ một kênh mới để phong toả các luật lệ.
Nếu như có một nhu cầu bảo vệ quyền tư hữu tốt hơn, và nếu như có một cơ chế giải quyết tranh chấp tư nhân được xem là cao hơn so với một cơ quan tư pháp của chính phủ, thì chúng ta nên thay đổi luật pháp không chỉ cho các doanh nghiệp nước ngoài giàu có, mà giúp cho các công dân và các doanh nghiệp nhỏ của chúng ta. Nhưng chưa có đề xuất nào cho thấy rằng đây là trường hợp phải giải quyết.
Luật pháp quy định thể loại của nền kinh tế và xã hội trong đó mọi người đang sống. Các luật lệ này gây ảnh hưởng đến thẩm quyền thương thảo tương đối, có ảnh hưởng quan trọng đối với sự bất bình đẳng, một vấn đề ngày càng tăng lên trong toàn thế giới. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên cho phép các doanh nghiệp giàu có sử dụng quy định tiềm ẩn trong cái gọi là hiệp định mậu dịch để tạo ra các loại mệnh lệnh cho chúng ta sẽ phải sống trong thế kỷ XXI không. Tôi hy vọng người dân ở Mỹ, châu Âu, và Thái Bình Dương sẽ trả lời với một tiếng không thật vang dội.
__________________________
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel về Kinh tế học, Giáo sư Đại học Columbia, Chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn Kinh Tế của Tổng thống Bill Clinton. Ông là Phó Chủ tịch và Kinh tế Trưởng của Ngân Hàng Thế giới. Tác phầm mới nhất của ông viết chung với Bruce Greenwald là Creating a Learning Society: A New Approach to Growth, Development, and Social Progress.
Nguyên tác: The Secret Corporate Takecover, Project Syndicate. Tựa đề bản dịch là của người dịch.

Không có nhận xét nào: