Phải chăng cả nước Mỹ đang lo giải cứu Hiệp Định Tự do Thương mại Xuyên Thái Bình Dương-TPP? Từ Tổng thống Obama, đến các nghị sỹ Thượng viện Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao, John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, đều lần lượt lên tiếng kêu gọi Mỹ phải đạt được Hiệp định TPP nếu không muốn bị thiệt hại lớn.
Là người Mỹ ai cũng phải cảm động khi nhìn thấy Tổng thống Barack Obama cúi mái đầu sương điểm trước phán quyết của Thượng viện Hoa kỳ hôm 22-4-2015 không trao toàn quyền cho Hành Pháp trong việc xúc tiến thương thuyết mậu dịch -tpa-trade promotion authority-. Động thái này của Thượng viện Mỹ sẽ có thể lôi theo số phận của TPP đến bên bờ vực thẳm của thất bại.
Thông hiểu được sự lo lắng của Tổng thống Obama, hôm 12-5-2015 chính Thượng viện Mỹ lại ra sức củng cố nghị trình thương mại của Tổng thống Obama bằng cách bỏ phiếu với tỷ lệ 65-33 để bắt đầu mở đường cho cuộc tranh luận về TPP -một Hiệp định Tự do thương mại giữa 12 nước ven bờ biển Thái Bình Dương có nền kinh tế năng động và đang trên đà phát triển cao, chiếm đến 40% tổng sản lượng toàn cầu.
Hôm 20-5-2015 Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry đã lên tiếng kêu gọi Mỹ phải đạt được Hiệp Ước Thương Tự Do -TPP, nếu không muốn bị tổn thiệt. Ngài Ngoại trưởng Hoa Kỳ không hết lời ca ngợi TPP: “TPP không phải là thỏa thuận thương mại theo kiểu thời ông cha chúng ta. Nó cũng không phải hiệp định thương mại thời cha mẹ chúng ta. Thậm chí nó cũng không phải hiệp định thương mại thời anh chị chúng ta. TPP là một thực thể mới -Rất mới- Một hiệp định thương mại của thế kỷ XXI.”
Trước đó, hơn 1 tháng, hôm 7-4-2015, tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ, ông Ashton Carter, tuyên bố: Hiệp định Thương Mại Tự Do -TPP- là một bộ phận quan trọng của Chiến Lược Xoay Trục châu Á của chính quyền Obama. Ông Carter kêu gọi Quốc Hội Mỹ thông qua dự luật xúc tiến thương mại TPA -Trade Promotion-Authority- một dự luật có sự ủng hộ của hai Đảng. Với uy tín này, Chính phủ Mỹ có thể đạt được thỏa thuận tốt nhất với 11 nước khác trong TPP, qua việc đòi hỏi các nước này chấp nhận những tiêu chuẩn mà nước Mỹ chúng ta đang tuân theo như sự minh bạch của chính phủ, những luật lệ bảo vệ quyền lợi trí tuệ, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động. TPP cũng hạ thấp rào cản đối với hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tại các thị trường tăng trưởng nhanh nhất của châu Á Thái Bình Dương. TPP là một trong những các bộ phận quan trọng nhất của Chiến lược Tái cân bằng sang châu Á mà chính Tổng thống Obama đang tiến hành.” Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter ví von: “một khi Quốc Hội thông qua hiệp định này cũng quan trọng như việc bổ sung một Hàng Không Mẫu Hạm cho hạm đội trong khu vực”!.
Trong khi đó, Brad Glosserman, Giám Đốc Diễn Đàn Thái Bình Dương của Mỹ cho biết là các nhà lãnh đạo châu Á xem sự thành công của TPP là yếu tố then chốt của sự tham gia của Mỹ trong khu vực. Brad Glosserman còn cho rằng “TPP là một trói buộc, nối kết chúng ta một cách chặt chẽ hơn nữa với các nước trong khu vực. Qua các mối quan hệ kinh tế, chính trị, quân sự, chúng ta nhằm tiến tới mục đích làm cho các nước đồng minh ta tin chắc rằng chúng ta bị ràng bưộc với họ và những địch thủ của chúng ta biết chắc là một vụ tấn công nhằm vào các nước đó sẽ được coi là vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ. Do đó chúng ta có thể nói là qua việc thật sự nối kết chúng ta một cách chặt chẽ về mặt kinh tế, thương mại, chính trị, chúng ta đánh đi một tín hiệu để các đồng minh cũng như các địch thủ của chúng ta biết rõ là chúng ta thật sự đoàn kết với nhau. Vì vậy, TPP là một bộ phận chiến lược then chốt trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ”. Với ý đồ này, phải chăng Brad Glosserman muốn chuyển hoá Hiệp định Tự do Thương mại -TPP- thành một Hiệp Định Liên Minh Quân Sự Quốc Phòng Hỗ Tương giữa Mỹ và các quốc gia thành viên TPP?
Tiến xa hơn nữa, Glosserman xác quyết: “Dự luật Xúc tiến thương mại -TPA- nếu được Quốc Hội thông qua sẽ để cho Tổng thống thương thuyết hiệp định thương mại mà Quốc Hội chỉ được quyền chấp thuận hoặc bác bỏ chứ không thương thuyết lại các điều khoản của TPP.” Brad Glosserman rõ là một chiến sĩ ngoan cường bảo vệ những điều khoản của TPP do Mỹ đề xuất mà các thành viên TPP đã từng tố giác đó là những điều khoản với tiêu chuẩn kép nhằm đem lại lợi nhuận cho nước Mỹ nhiều hơn…
Như vậy với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Ashton Carter, TPP là một bộ phận quan trọng trong chiến lược xoay trục về châu Á của Mỹ. Đối với Brad Glosserman, Giám đốc Diễn Đàn Thái Bình Dương của Mỹ, TPP là một bộ phận then chốt trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Phải chăng, TPP là một Siêu Sức Mạnh Mềm của chính phủ Mỹ trong hiện tại?
Mỗi khi đề cập đến vấn đề TPP mà không nói đến mối tương quan giữa Việt Nam với TPP sẽ là một thiếu sót lớn của chúng ta, của cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Ngay cả Tổng thống Obama, hôm 12-05-2015 đã nhắc tới Việt Nam khi ông đề cập đến vấn đề TPP. Tại công ty Nike ở tiểu bang Oregon hôm 8-5-2015, Tổng thống Obama nói rằng thỏa thuận đang được bàn thảo Việt Nam “sẽ là lần đầu tiên phải nâng cao các tiêu chuẩn lao động- Phải đặt ra lương tối thiểu- Phải thông qua các luật liên quan đến nơi làm việc để bảo vệ công nhân…”. Tổng thống Obama cho rằng Việt Nam hay bất cứ một nước nào muốn tham gia TPP mà không đáp ứng các yêu cầu trên, họ sẽ đối mặt với các hệ quả. Hôm 10-4-2015, một nhà ngoại giao Mỹ nói tại Hà Nội rằng VN đã cho thấy có tiến bộ về nhân quyền, nhưng cần phải chứng tỏ cam kết mạnh hơn nữa để lấy lòng các nhà lập pháp Mỹ. Tom Malinowski, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ khẳng định VN phải có một số bước cải thiện nhân quyền mới nói đến chuyên Hà Nội có thể gia nhập TPP. Malinowski nhìn nhận rằng TPP là đòn bẫy để cải thiện nhân quyền tại VN. Tiến bộ nhân quyền là chìa khóa chính để VN gia nhập TPP.
Trong hiện tình của TPP, thật khó trả lời nếu có ai hỏi rằng TPP bây giờ đang ở đâu? Hình dáng nó như thế nào? Có điều chắc chắn TPP hiện giờ đang nằm trên bàn thảo luận của Hạ Viện Hoa Kỳ. Việc Hạ Viện Mỹ có chịu thông qua dự luật xúc tiến thương thuyết mậu dich -Trade Promotion Authority- vẫn còn là câu hỏi?
Ấy vậy mà Chính phủ Mỹ vẫn sử dụng TPP để làm áp lực ở một số quốc gia yếu hơn khi họ muốn được gia nhập TPP. Với Chính sách “chưa đổ ông Nghè đã đe hàng Tổng” liệu chính phủ Mỹ có khả năng kết thúc vòng đàm phán gia nhập TPP đúng hạn kỳ theo ý muốn của Tổng thống Obama-cuối năm 2015?./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét